Categories
Review sách

Ứng dụng tâm lý học để đọc nhiều sách hơn

Sáng nay dậy sớm hơn mọi ngày (3:45am) nên sau khi hoàn tất chỉ tiêu đọc trong buổi sáng (60p) thì tự nhiên muốn viết một bài về việc đọc sách của mình. Dạo gần đây (hay nói cụ thể là từ tháng 11/2020), sau khi áp dụng một số phương pháp mới cho việc đọc sách thì về số lượng và chất lượng trong việc đọc sách đều được cải thiện. Thấy quá trình này có lẽ hữu ích cho mọi người nên mình chia sẻ bài viết này với mọi người.

Tủ sách

Bài viết này không đề cập đến việc làm sao để đọc nhanh MỘT cuốn sách. Có rất nhiều phương pháp đọc nhanh, nhưng tựu chung thì mình không cổ xúy trường phái đọc nhanh 1 cuốn sách mà đi theo trường phái đọc nhiều cuốn sách, còn đọc một cuốn như thế nào nó phụ thuộc vào phong cách đọc và trải nghiệm của từng người.

Nhìn riêng, Tuấn là một lập trình viên đi làm kinh doanh, nên việc đọc sách là tối quan trọng vì bên cạnh kiến thức về kinh doanh, văn hóa thì kiến thức chuyên môn là cực kỳ cần thiết. Còn nhìn chung thì ai cũng cần đọc sách, nên việc đọc nhiều sách hơn sẽ rất có lợi cho cuộc sống và công việc. Mình vẫn quan niệm, mỗi người ai cũng có một ngày 24 giờ như nhau, nếu mình biết tận dụng thời gian thì có thể đọc nhiều sách hơn thì tốt biết mấy.

Sau thời gian áp dụng phương pháp này thì mỗi tháng có thể đọc từ 15-20 cuốn và mục tiêu 1 năm 200 cuốn sách là có thể đạt được. Phương pháp này dựa vào một số hiểu biết của mình về tâm lý học hành vi và tự áp dụng thì thấy có chút hiệu quả. Nguyên lý cốt lõi của phương pháp này là dựa vào khái niệm Năng lượng tinh thần (Mental Energy).

Năng lượng tinh thần là gì?

Mỗi chúng ta, trong một ngày sẽ có một mức độ (Level) năng lượng tinh thần, và năng lượng này sẽ giúp chúng ta xử lý các hoạt động liên quan đến trí óc, như học tập, suy nghĩ, tính toán và trong đó có đọc sách. Nếu mức năng lượng này cạn kiệt thì chúng ta sẽ lúc nào cũng cảm thấy uể oải, không còn chút động lực để suy nghĩ đơn giản chứ đừng nói đến chuyện đọc sách. Và những lúc cạn kiệt năng lượng này thì chúng ta thường làm gì? Hầu hết mọi người sẽ lướt Facebook, Youtube, Tiktok, xem Tivi vì đó là một số hoạt động không cần nhiều năng lượng tinh thần lắm.

Nếu dựa theo các nghiên cứu thì đầu ngày, mỗi khi ngủ dậy thì mức độ năng lượng tinh thần được reset lại, giống như chơi game, được hồi sinh máu 100%. Do đó, lúc mới ngủ dậy thường tràn trề năng lượng, nhiệt huyết và đầy sức sống. Và như có nói, dựa vào những hoạt động trong ngày mà năng lượng này sẽ giảm từ từ cho đến khi bạn kết thúc một ngày dài (16 tiếng) và đi ngủ để mai lại được hồi phục.

Nhiều người, kể cả Tuấn trước đây đọc khá ít sách, thậm chí có giai đoạn không đọc sách nổi bởi vì mức độ năng lượng này trong ngày rất ít, khiến cho công việc ngoài xã hội đã ngốn hết số năng lượng này, nên khi cần trí não để xử lý một cuốn sách thì hoàn toàn thua cuộc, không thể tiếp thu nổi khi đọc nên thường chúng ta chọn những hoạt động khác, ngoài hoạt động trí não.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ năng lượng tinh thần, thường là do muộn phiền, lo âu, stress hoặc một phần quan trọng là năng lượng thể chất ảnh hưởng lớn đến năng lượng tinh thần. Năng lượng thể chất ý nói đến sức khỏe của bạn, nếu thường ốm yếu, cơ thể lúc nào cũng suy nhược, mệt mỏi không có sức lực thì sẽ kéo theo năng lượng tinh thần đi xuống (sinh lý quyết định tâm lý).

Do đó, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tăng năng lượng tinh thần là làm tăng năng lượng thể chất, cụ thể là tập thể dục, ăn uống lành mạnh để có cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật. Như vậy, tinh thần lúc nào cũng được tốt hơn.

Như vậy, bạn đã thấy năng lượng tinh thần có vai trò rất lớn trong cuộc sống và hoạt động hằng ngày. Bài viết này Tuấn chia sẻ việc ứng dụng năng lượng tinh thần trong việc đọc sách để tăng năng suất việc đọc lên, giúp bạn tiếp thu tốt và đọc nhiều sách hơn trong một ngày.

Năng lượng tinh thần cho việc đọc sách

Dựa vào mức độ năng lượng tinh thần sẽ ngày càng giảm trong ngày, chúng ta sẽ đưa ra các chiến lược đọc phù hợp, có như vậy thì rất dễ tiếp thu cũng như tạo hứng thú cho việc đọc.

Như bạn cũng biết, đầu ngày là lúc năng lượng dồi dào nên đọc cái gì cần nhiều năng lượng của não và cuối ngày thì rất ít năng lượng, do đó, cuối ngày không nên đọc cái gì cần tập trung cao hoặc suy nghĩ.

Ngoài ra, để duy trì hứng thú và sự tập trung khi đọc thì một ngày mình không đọc một cuốn sách mà đọc khá nhiều thể loại, để bộ não trải nghiệm cảm giác thay đổi ngữ cảnh (context) giúp tối ưu cục bộ cho việc tập trung và hứng thú. Giống như một bữa cơm có nhiều món, đủ cả món chính món phụ sẽ giúp dễ tiêu hóa hơn. Đọc sách cũng vậy.

Tùy vào nhu cầu công việc, sở thích của mỗi người mà các bạn tự lựa chọn thể loại sách để đọc cho phù hợp với năng lượng tinh thần. Bên dưới, Tuấn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc lựa chọn sách của mình dựa vào mức độ năng lượng tinh thần, cũng như đây là 5 nhóm sách mà mình đọc trong 1 ngày đối với một ông chủ nhỏ làm IT như mình.

Tủ sách ngoại văn

Do nhu cầu công việc nên việc đọc sách kỹ thuật bằng tiếng Anh là không thể thiếu. Đối với thể loại sách này, vừa phải vừa đọc vừa dịch, từ điển trên điện thoại cũng sẵn sàng mà lại về chuyên môn nên phải nói là dùng một số lượng năng lượng tinh thần rất lớn.

tủ sách ngoại văn

Do đó, với thể loại này, mình đọc một ngày 30 tới 45 phút và đọc ngay sau khi thức dậy, khung giờ lý tưởng của mình là từ 4am đến 5am. Với 30 phút thì mình đọc khoảng 20-30 trang là bắt đầu mất tập trung. Nên một cuốn sách tiếng anh 300 trang thì đọc trong khoảng dưới 10 ngày. Nếu để lâu hơn 10 ngày thì hầu như không còn khả năng tổng hợp kiến thức.

Tủ sách phi tiểu thuyết (non-fiction)

Thể loại sách thứ hai mà tiêu tốn nhiều năng lượng là sách phi tiểu thuyết, thường là sách chuyên ngành tiếng việt, kinh doanh, kinh tế, self-help…nói chung tất tần tật các thể loại sách không phải là thể loại tiểu thuyết hư cấu.

tủ sách phi tiểu thuyết

Chỉ đứng sau sách ngoại văn, đọc thể loại sách này cũng tiêu tốn nhiều năng lượng tinh thần nên thường đọc vào buổi sáng (~30 phút) sau khi đọc sách ngoại văn.

Sau khi tập thể dục buổi sáng về thì năng lượng bị cạn kiệt do đọc sách ngoại văn và phi tiểu thuyết được khôi phục lại, nên mình cũng thường đọc thể loại sách này vào buổi sáng trước khi đi làm, hoặc thời gian rảnh tầm 10-15 phút như ngồi chờ khi đi gặp khách hàng, nên mình thường không ngại nếu khách cho chờ đợi, tuy nhiên, nếu để Tuấn chờ hơn 15 phút thì có thể hình dung hậu quả rồi ^^!.

Tủ sách tiểu thuyết (fiction, novel)

Mình cũng là người thích đọc tiểu thuyết nên không thể thiếu tủ sách tiểu thuyết trong nhà. Việc đọc tiểu thuyết không ngốn quá nhiều năng lượng tinh thần so với 2 thể loại thể nên thường muốn đọc lúc nào thì đọc, miễn là còn muốn đọc.

tủ sách tiểu thuyết

Thường là mình tranh thủ đọc tiểu thuyết vào những khung giờ nhỏ 5 – 15 phút trong ngày, kể cả sáng sớm khi ngủ dậy hoặc buổi sáng trong khi đi làm nếu nội dung tiểu thuyết đang lôi cuốn và khó có thể chờ đợi.

Một ngày đọc khoảng tối đa 60 phút. Cuối tuần là thời gian mình dành nhiều cho tiểu thuyết. Trừ 2 khung giờ gần như cố định cho ngoại văn và chuyên môn vào sáng sớm, thì tiểu thuyết có thể đọc từ sáng đến tối.

Tủ sách truyện tranh

Mình cũng là một fan của manga/comic từ nhỏ nên đọc truyện tranh là không thể thiếu. Mỗi tuần lúc nào cũng vài cuốn và đối với thể loại ít dùng năng lượng tinh thần nhất này, mình thường đọc vào buổi tối, sau khi năng lượng đã bị suy giảm triệt để do các hoạt động xã hội và đọc sách ở trên.

tủ sách truyện tranh

Mình thường tận dụng được tới 45-60 phút chiều tối để đọc truyện tranh vì thời gian này làm chuyện khác cũng không nổi, có đọc truyện tranh là sướng nhất. Vừa thõa mãn việc đọc, vừa có thể giải trí vì cốt truyện của truyện tranh thường đơn thuần, có tính giải trí cao.

Tủ sách nói (audio)

Đây là loại sách mới mà mình khám phá gần đây và đây cũng là lần đầu tiên Tuấn nói về sách nói. Cho tới 1 tháng trước, mình vẫn không đánh giá cao về thể loại sách này bởi nhiều yếu tố như thói quen, nội dung và chất lượng đọc. Tuy nhiên, cho tới khi tập thể dục, sau khi nghe nhạc chán chê, từ các thể loại nhạc dance, đen, nhạc rap, hiphop rồi đến podcast các kiểu thì thấy nó phí phí thời gian thế nào ấy, vì tập đến 60 phút lận.

tủ sách nói

Thế là lân là tìm thử sách nói xem có hợp không. Lúc đầu thử 1 số app nghe sách nói miễn phí (sachnoi.app) cũng hay thấy chia sẻ rầm rộ và 1 số app khác thì khá … thất vọng. Nghe một vài đầu sách thì thấy tạm, tuy nhiên, nếu chọn các kênh này làm lâu dài thì không ổn vì từ chất lượng sách là không nhiều thể loại và chất lượng giọng đọc thì thượng vàng hạ cám, lúc thì nghe không rõ, rè lên rè xuống và vẫn tư duy làm kênh để chia sẻ nội dung có sẵn chứ không phải tự sản xuất.

Thế là vô tình lọt vào app VoizFM, lần đầu tiên nhìn vào danh mục sách khá là hứng thú, thử thì thấy có rất nhiều sách do chính đội ngũ tự sản xuất, phần lớn là sách của First News, đứng thứ hai là của NXB Kim Đồng…Trả tiền nghe thử thì trừ 1 số hạt sạn như bị thiếu chương, bị lập chương, nghe có 1 lỗ tai..chắc do khâu QA/QC còn yếu thì nhìn chung chất lượng OK so với giá tiền. Mình không quảng cáo cho VoizFM, bởi vì cái gì tốt thì mình chia sẻ và hy vọng trong nước còn có những đơn vị sản xuất sách nói thế này để người đọc có thêm sân chơi mới.

Nghe cũng gần 2 tháng và đối với khung thời gian 1 tiếng trong khi tập thể dục (đi & chạy bộ) thì nghe những thể loại self-help, lịch sử, văn học thì khá hợp và không tốn nhiều nỗ lực của năng lượng tinh thần. Trung bình một sách nói kéo dài khoảng 5 tiếng, nên 1 tháng có thể “dung nạp” thêm từ 5 đến 6 cuốn sách. Riêng mình, đối với các sách nghe thấy hay và hữu ích đều mua sách giấy để lưu trữ.

Thể loại sách khác

Không chỉ đọc một trong năm nhóm sách như trên với khung giờ phân bố như chia sẻ, trong quá trình làm việc, lướt web thì cũng đọc các ebook ngắn, white-paper về công nghệ và những nội dung bổ ích cho công việc lập trình và thiết kế.

Bên cạnh đó, mình cũng review một số sách thiếu nhi để đám nhóc ở nhà có thể tiếp cận với sách từ nhỏ với phương châm sách lúc nào cũng ở bên cạnh và mở mắt ra là thấy, còn việc muốn đọc gì thì tùy duyên mấy ảnh, thích cuốn nào thì móc cuốn đó ra coi.

Như vậy là bạn đã nắm được cách vận dụng tâm lý học, cụ thể là năng lượng tinh thần để bổ trợ cho việc đọc sách trong việc phân bổ việc đọc vào các thời điểm phù hợp với tâm sinh lý. Việc tăng cường năng lượng tinh thần cũng rất có ích cho các hoạt động của bạn, và đọc sách cũng giúp bạn tăng cường lại năng lượng tinh thần, giúp cho mức độ năng lượng của bạn ngày một tăng bởi yếu tố tập trung cao, trí tưởng tượng… được bồi dưỡng trong quá trình đọc.

Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hứng thú hơn với việc đọc sách và văn hóa đọc nói chung. Còn nếu chưa có kinh nghiệm đọc thì mình khuyên các bạn đọc theo thứ tự tủ sách của mình từ dưới lên trên, bắt đầu với đọc sách của trẻ em, nghe sách, rồi đọc truyện tranh, đọc tiểu thuyết, sau đó đến sách chuyên ngành và cuối cùng là ngoại văn.

 

Categories
Miscellaneous

New Year’s Resolution of 2021

Không giống những năm trước thường mình viết tổng kết vào tối muộn của ngày 31, do thói quen mới nên không thể thức đến giờ đó để viết lách nên bài viết của năm nay được viết vào sáng ngày 1/1/2021. Thấm thoát đã hơn 10 năm mình viết resolution vào đầu mỗi năm mới, mặc dù tất cả các năm đều không thực hiện trọn vẹn các mục tiêu đề ra nhưng nếu không có mục tiêu để theo đuổi thì thật là … chán.

Nhìn tổng quan năm 2020 thì đối với hầu hết mọi người là một năm có nhiều biến động lớn, nhất là sự kiện Covid-19 xuất hiện, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội nên mình cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng, đặc biệt lại là một chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với những người khác thì doanh nghiệp của mình còn nhỏ nên thuyền nhỏ sóng nhỏ, mọi thứ cũng không đến nỗi quá khó khăn và mất mát như nhiều anh chị bạn khác.

2020 – Tồn tại hay không tồn tại

Về tổng quan các mục tiêu đề ra trong 2020 thì hầu như chỉ đạt được từ 30-50%. Như số lượng dự án chỉ đạt 50% kế hoạch, nhân sự thì cũng có tăng (25%), còn số sách đọc được thì chỉ đạt 40% (khoảng 80 cuốn). Còn kế hoạch về du lịch thì thảm hại nhất, chả đi được nước ngoài nào. Viết lách thì quá tệ vì bận đối phó với nhiều thứ nên tâm trí không ổn định để viết lách chia sẻ nhiều trên blog. Tuy nhiên, thay vì chia sẻ trên blog thì mình cũng có nhiều chia sẻ ngắn trên facebook cá nhân, cũng coi như là cứu cánh cho việc viết blog 1 bài / tuần.

Về kinh doanh thì mặc dù bị tơi tả bởi Covid-19 nhưng đang trên lộ trình tăng trưởng từ 2019 nên cũng có chút thu hoạch, cuối năm cũng tiết kiệm được chút tiền ăn tết chứ không chật vật như mấy năm trước khởi nghiệp. Nhìn chung thì tập khách hàng vẫn đi theo chiều ngang và doanh thu thì xu hướng tăng. Đánh giá chung tình hình làm ăn thì không có khởi sắc trong 2020, nhưng may mắn là còn sống được sau 7 năm vật lộn khởi nghiệp tự thân.

Bạn TeamcropBasecrop vẫn lộ trình mở rộng theo phân khúc khách hàng Enterprise và ít tập trung hơn vào tập khách hàng nhỏ. Ra mắt được một dự án SaaS thử nghiệm là lophoctructuyen.vn, còn có 2 dự án khác đã phát triển xong nhưng vì thời thế chưa tới nên cũng tạm “giấu” chờ thời cơ tốt hơn rồi giới thiệu. Bên cạnh đó, dự án Movecrop sau gần 1 năm tới tay công ty VHT thì cuối cùng cũng quay về lại với Cropcom quản lý trong tháng 11/2020, đánh dấu kết thúc một mối quan hệ giữa CropCom với VHT. Như vậy, bộ ba Teamcrop, Basecrop và Movecrop tiếp tục sánh vai trên con đường cung cấp SaaS ở Việt Nam.

Về gia đình thì cũng như năm ngoái, thời gian dành cho gia đình cũng nhiều, không còn làm ngoài giờ và cân bằng được giữa cuộc sống kiếm tiền và gia đình. Mặc dù cũng có sự kiện vui và buồn nhưng năm 2020 là một năm đáng nhớ, ít ra đó là năm thằng con lớn nó bắt đầu học lớp 1 và chặng đường đến với lớp 1 có âm hưởng Covid thật là hồi hộp.

Về cộng đồng và bạn bè thì năm nay không có nhiều hoạt động xã hội. Ít các sự kiện chia sẻ hơn và cũng ít giao lưu bạn bè bên ngoài bởi một phần tâm lý dịch bệnh, một phần tập trung việc kiếm tiền.

Về cá nhân thì cũng có một số thành tựu nho nhỏ như đã làm được 1 việc mà 5 năm qua chưa làm được, đó là tiếp tục giảm cân và đã giảm được 10 kg trong 3 tháng cuối năm và có thói quen dậy sớm (4h30) để đọc sách và tập thể dục. Do đó, sức khỏe đã được cải thiện rất nhiều và sách cũng đọc được nhiều hơn, bằng chứng là 2 tháng cuối năm đã đọc được 1/3 số sách của năm 2020.

Tương lai 2021

Với sự ổn định và tăng trưởng nhẹ của 2020 nên hy vọng 2021 sẽ có những bước chuyển mình lớn hơn ở năm thứ 8 khởi nghiệp với công ty nhỏ về công nghệ phần mềm. Cũng như mọi năm, mục tiêu luôn đưa ra để có những thứ phải phấn đấu và hoàn thiện bản thân hơn và năm sau cũng lại có dịp ngồi lại để đọc và suy ngẫm về quá khứ.

  • Triển khai 5 dự án Outsourcing
  • Ra mắt 3 dự án phần mềm mới
  • Đọc 150 cuốn sách
  • Công ty tăng trưởng 100% nhân sự
  • Viết blog 1 bài / 2 tuần
  • Bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay
  • Chia sẻ Meetup 2 tháng / 1 lần
  • Du lịch 4 lần

Cuối bài, chúc mọi người một năm mới 2021 đầy sức khỏe và tiếp tục sự nghiệp học tập, làm việc và chia sẻ cho bản thân và xã hội. Happy New Year!

 

Categories
Travel

Du lịch Phuket & Krabi 2019

Mới đó đã tròn một năm du hí Phuket & Krabi. Phải nói chuyến du lịch này là điểm nhấn trong sự nghiệp ăn chơi của hai vợ chồng trong năm 2019. Nay trong không khí cách ly do dịch và có vẻ sẽ còn lâu lắm mới được đi du lịch lại nên ngồi hồi tưởng lại chuyến đi thú vị này và viết vài dòng để rảnh rỗi đem ra đọc, cũng như hướng dẫn cho bạn nào quan tâm đến việc du lịch Krabi và Phuket.

Chuyến đi này là một chuyến đi chơi không tính trước, chỉ là sau khi xem phim Friendzone của Thái (đợt đó khá là nổi ở Việt Nam và trên Thế giới), thấy cảnh ở Krabi đẹp quá nên quyết định đi chơi luôn cho máu. Dự tính ban đầu là hoàn toàn không muốn đi Phuket vì Phuket cũng nghe tiếng đã lâu, nhưng do coi phim chỉ thấy đề cập đến Krabi nên tính đến đó thôi.

Hiện tại cũng không có tour nào đi Krabi từ HCM nên giải pháp chỉ là hai vợ chồng đi tự túc mà thôi. Bởi vì Krabi và Phuket là 2 tỉnh khác nhau và cách khá xa nhau (như Sài Gòn và Nha Trang vậy), sau khi tìm hiểu một cách kỹ lưỡng thì thấy nếu đi trực tiếp đến Krabi từ HCM thì không được tối ưu chi phí ăn chơi so với việc vừa đi Phuket & Krabi bởi vì tổng thời gian chỉ có 5 ngày. Thế là tour sẽ từ HCM –> Phuket –> Krabi –> Phuket –> HCM.

Ngày 1: HCM – Phuket

Đi từ HCM đến Phuket khá đơn giản và chi phí tốt, vé máy bay tầm 2.5tr/người đã gồm khứ hồi nên cứ book sẵn thôi. Đây cũng là lần đầu tiên dùng KLook để mua sim và đặt xe từ sân bay Phuket về khách sạn ở Patong, Phuket. Chi phí cho SIM và xe total 750k.

Khu vực chờ tài xế Klook đến đón. Dịch vụ dạng Klook khá là thịnh hành ở đây.
Phía trước khách sạn khá yên tĩnh

Khách sạn mình ở là một khách sạn khá gần Banzaan Fresh Market nên vừa đến nơi là tiến hành khám phá khu vực cũng nổi tiếng này ở Phuket. Vẫn theo phong cách du lịch Thái Lan, ban ngày khá vắng vẻ. Giá thuê khách sạn cũng khá rẻ, 1tr6 cho 5 ngày.

Mặt tiền chợ Banzaan, ban ngày khá vắng vẻ và bên ngoài chưa có sạp bán hàng nào.
Tham quan Patong Beach

Ngày 2: Phuket – Krabi – Phuket

Đây có thể nói là ngày chính của cả chuyến hành trình này vì đến Krabi, và cụ thể là PhraNang Beach. Nói đến Krabi, quả thực đó là một tỉnh lớn, có 2 khu vực chính để du lịch là thành phố và bờ biển, đảo. Tuy nhiên, mình đã chọn đi trong ngày và chỉ đi bờ biển và đảo vì sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, khách sạn.

Tại sao phải là PhraNang Beach mà không phải chỗ nào khác ở Krabi?

Quả thực lúc tìm hiểu các vị trí của Krabi, dựa vào một bức hình của đoàn làm phim FriendZone chỉ thấy 1 cục đá bự và tìm kiếm 1 lượt các điểm ở krabi, đối chiếu thì mới phát hiện hình đó được chụp ở PhraNang Beach, một bờ biển khá đẹp. Mãi sau này các địa điểm mới được công bố, nếu công bố sớm hơn là đỡ tốn thời gian google rồi ^^!.

Di chuyển từ Phuket đến Krabi và về trong ngày hiện chỉ có một tour tại https://traveliss.com/tours/phuket/krabi-4-islands-day-trip-from-phuket.htm. Chi phí trọn gói khá ổn và bạn phải chuyển khoản trước. Mình book từ Việt nam và trả bằng paypal.

Receipt tour 1-day ở Krabi

Tour này sẽ đón tại khách sạn ở Patong (Phuket), chở bạn đến bến tàu, đi tàu tầm 2 tiếng là đến Krabi và sẽ đổi sang ca nô để đi thăm thú các bờ biển và đảo trong lịch trình.

Háo hức chờ xe đến rước để đi Krabi
Đi BigBoat từ Phuket để đến Krabi. Khoai Tây khá nhiều.
Tới Krabi, di chuyển sang Speedboat để đi đảo. “Cà ri” khá nhiều, y như sang ấn độ.

Quả thực trong cả hành trình này mình chỉ quan tâm đến Pranang Beach, nếu vì một lý do nào đó mà không đến điểm đó thì coi như cả chuyến này đi tông. Hên là cũng ghé được và để được những shot hình để đời.

Một góc Poda island – Krabi

 

Một góc đẹp

Hòn đá “thần thánh” ở Phranang Beach – Krabi
Một góc ở Phranang Beach
Hang động “ông ước bà mê”

Về khách sạn trời cũng vừa tối, lại đi dạo chợ đêm Bazaan gần nhà, đúng là một thiên đường ẩm thực ở Phuket không thể bỏ lỡ.

Ngày 3: Khám phá đảo ở Phuket

Khám phá phuket thì có khá nhiều lựa chọn, có thể tự đi đảo, mua tour ở khách sạn hoặc các điểm bán tour quanh thành phố, mình chọn một tour khám phá đảo Koh Phi Phi & Vịnh Maya trên Klook (Xem thêm) vì thấy review khá tốt, chi phí hợp lý và tất nhiên mua sẵn ở Việt Nam hết rồi, tới giờ là tài xế đến liên lạc (qua whatsapp, hầu như ở Thái Lan liên lạc bằng Whatsapp) là chở đến điểm tập kết để lên tàu.

Chuẩn bị ra trận.
Koh Phi Phi khá là đông đúc, cano đậu sát ko còn khe hở.
Nước xanh như ngọc

 

Lặn biển
Mênh mông giữa biển và đảo

Ngày 4: Đi vòng vòng Phuket

Đây là ngày thư thả, không đi tàu, đi đảo gì hết. Vòng vòng các địa điểm trong Phuket, đi hết chợ này đến chợ khác.

Một góc phố Patong
Một trong những món ấn tượng nhất mùa giải này

Không thể thiếu món mát xa chân
Nam thần trong Friendzone.

Ngày 5: Về nhà.

Cũng dùng dịch vụ đưa đón sân bay của Klook, xe đến và chở từ khách sạn ở Patong ra sân bay, khoảng 400k. Kết thúc một chuyến đi hoàn toàn ưng ý.

Đi chơi vui vẻ @krabi

Như vậy, thông qua bài viết nhỏ này đã giúp bạn nào muốn tự đi Krabi và cả Phuket có thể tự tin lên kế hoạch cho chuyến du lịch sắp tới. Nếu có cơ hội, hai vợ chồng cũng sẽ tiếp tục đi lại Phuket chơi bởi du lịch ở đây khá nhẹ nhàng, có thể tự túc đi được và vật giá không đắt đỏ như các nước khác.

Categories
Review sách

Review tác phẩm “Suy tưởng” của Marcus Aurelius

Suy tưởng là tác phẩm của Marcus Aurelius. Được mệnh danh là vị vua hiền triết, thánh đế, chịu ảnh hưởng từ triết học Hy Lạp chắc chắn ông đã đọc tác phẩm “Cộng Hòa” của Plato và chịu ảnh hưởng bởi triết lý: “Đất nước chỉ hạnh phúc khi nhà cầm quyền trở thành triết gia và triết gia trở thành nhà cầm quyền.” Thật sự chẳng có bao nhiêu đế vương được như ông, khi không ham thú dục lạc của cuộc sống đế vương mà lại yêu lối sống giản dị của các triết gia khắc kỷ. Tác phẩm được xuất bản tại La Mã sau khi ông qua đời, có lẽ được lưu truyền qua các học giả thành Constantinopolis trước khi thành phố này rơi vào tay người hồi giáo.
(Theo Wikipedia)

Cũng giống như người biên soạn lại tác phẩm “Suy tưởng” (tiếng anh là Meditations) của Marcus Aurelius, mình sẽ không gọi đây là một cuốn sách vì cách trình bày và nội dung của nó không giống như một cuốn sách mục đích viết cho những người khác đọc, mà dường như chỉ là những suy tư, cảm nhẩn của chính Marcus và được viết ra cho chính mình đọc và suy ngẫm, và tất nhiên nó cũng chẳng phải là một cuốn nhật ký. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết những nội dung trong sách này được viết cách đây gần 2000 năm nhưng rất chân thực và hợp thời đại.

Cách đây ít lâu thì mình có review sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ và có nói Marcus Aurelius là một trong những người tiên phong đi theo trường phái triết học này. Điều thể hiện rõ nét nhất cho nhận định này là tác phẩm “Meditations” của ông. Nếu bạn quan tâm và tìm hiểu về trường phái khắc kỷ thì sẽ thấy nội dung trong cuốn Meditations chính là đề cập về tư tưởng, lối sống của người khắc kỷ (tất nhiên không phải toàn bộ).

Đây là một tác phẩm hơi khô khan, khó đọc và có phần lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh các tư tưởng khắc kỷ về việc đối xử với các sự viện mình làm chủ hoặc không làm chủ, về sự sắp đặt của Thượng Đế, về Logos (có thể hiểu là Đạo) cũng như những lời khuyên để có một cuộc sống bình an, tránh những sân si không cần thiết. Bên cạnh đó, nghĩa vụ với cộng động như là một phần tính cách của người Khắc Kỷ cũng được đề cập nhiều.

Với cấu trúc 12 phần (gọi là 12 quyển) và nội dung hầu như không có cấu trúc, phân loại rõ ràng nên đọc dễ khiến xao lãng và … chán. Tất nhiên, dẫn đến điều này không phải là không có nguyên nhân, cuốn Meditations có thể được viết ra không phải để đọc từ đầu đến cuối, mà nó có thể được đọc ở bất kỳ đoạn nào, bất kỳ lúc nào và mỗi phần nhỏ trong một quyển có thể coi như một lời khuyên, mội bài học hoặc một câu chuyện về cuộc sống, nhân cách.

Mình chia sẻ với các bạn một số đoạn nhỏ mà mình thấy hay.

“Nếu con chó từ chối chạy theo chiếc xe ngựa thì nó sẽ bị xe ngựa lội đi, tuy nhiên nó có quyền lựa chọn: chạy, hay bị lôi đi. Cũng giống như thế, con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn và hành động của mình, cho dù những lựa chọn và hành động ấy đã được logos định trước và tạo thành một bộ phận kế hoạch của nó. Ngay cả những hành động có vẻ như-và thật sự-vô đạo đức hoặc bất công cũng thúc đẩy thiết kế tổng thể, được hiểu một cách tổng quát như hài hòa và tốt đẹp”
(Lời giới thiệu của soạn giả, không phải từ Meditations.)

“Nếu anh muốn tìm tĩnh lặng, hãy hành động ít đi. Hay (chính xác hơn): chỉ làm những gì thiết yếu, những gì logos và xã hội đòi hỏi , và theo cách cần thiết. Điều này mang lại sự thỏa mãn kép: làm ít đi, nhưng tốt hơn.
Bởi vì phần lớn những gì chúng ta chúng ta nói và làm là không thiết yếu. Nếu anh có thể hạn chế nó, anh sẽ có nhiều thời gian hơn, và nhiều tĩnh lặng hơn. Ở mỗi khoảnh khắc, hãy tự hỏi `cái này có cần thiết không?`”
(Quyển 4.24)

“Anh có thể sống một đời sống vô lo miễn là anh có thể lớn lên, suy nghĩ và hành động một cách hệ thống.
Có hai đặc tính chung giữa thần và người và các loài có lí trí.
i. Không để người khác kiềm chế anh.
ii. Đưa lòng tốt vào nghĩ và làm điều đúng, và hạn chế đưa dục vọng của anh vào đó.”
(Quyển 5.34)

“Cấm người ta muốn những thứ người ta coi là tốt cho họ thì thật độc ác. Nhưng đó chính là những gì anh sẽ không để họ làm khi anh nổi giận với hành vi sai quấy của họ. Họ đang háo hức tới những gì họ cho là tốt cho họ.
Nhưng những cái ấy không tốt cho họ.
Vậy thì nói cho họ biết. Chứng minh cho họ thấy. Thay vì chính anh nổi nóng.”
(Quyển 6.27)

“Có người khinh thường tôi.
Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: không nói hay làm cái gì đáng bị coi thường.
Có người ghét tôi. Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: kiên nhẫn và vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả họ. Sẵn sàng chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Không hằn học hoặc tỏ ra thiếu kiềm chế, mà một cách thành thật và ngay thẳng”
(Quyển 11.13)

Hy vọng một chút giới thiệu sẽ giúp bạn nào quan tâm đến trường phái Khắc Kỷ có thể tìm và đọc tác phẩm nổi tiếng này.

Categories
Miscellaneous

Bàn về mua sách

Cũng gần một tháng kể từ bài viết đầu tiên trong chuỗi bài “Bàn về sách” viết về mục đích của việc đọc sách, nay mình tiếp tục loạt bài này với chủ đề khá gần gũi là bàn về mua sách. Mua sách không đơn giản là ra hiệu sách chọn 1 cuốn rồi mua hoặc lên mạng thấy ai review hợp gu mình thì mua. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc chọn lựa sách sao cho đảm bảo chất lượng và kinh tế nhất.

Tại sao mua sách?

Việc tại sao chúng ta mua sách thì có thể được lý giải phần lớn ở bài đầu tiên là bàn về mục đích của việc đọc sách. Mỗi người tại mỗi thời điểm sẽ có những mục tiêu khác nhau dẫn đến hành động mua sách. Phần lớn là mua sách để trau dồi kiến thức, kỹ năng và thư giãn, giải trí.

Các bạn cũng cần hiểu là mua sách không nhất thiết là để đọc (OMG!!!). Mình cũng mua nhiều sách, truyện cũng không phải để đọc, mà là mục đích sưu tầm như là các bookset ra mắt có hạn lượng (limited edition), hoặc sách cổ trong ngành. Ngoài ra, cũng có mua sách để tặng bạn bè tâm giao hoặc anh em đồng nghiệp.

Mua sách khi nào?

Thời điểm mua sách cũng là một vấn đề nhiều bạn băn khoăn. Hầu hết mọi người chỉ mua sách khi bị ai đó ép mua, như thầy/cô/sếp/vợ/chồng/con. Tuy nhiên, bản thân cảm thấy các thời điểm mua như trên chỉ khiến bạn coi việc mua sách (và đọc nó) như một nhiệm vụ và khó lòng tiếp cận nội dụng của sách một cách sâu sắc và toàn diện.

Mình vẫn khuyên mọi người là việc mua sách phải xuất phát từ chính bản thân mình chứ không phải bị ép buộc, có nghĩa là bạn phải có trách nhiệm tìm kiếm, lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp và ra quyết định mua nó. Việc mua sách đối với mình thường diễn ra trong 2 tình huống.

Đầu tiên là mua sách định kì, tức là bạn sẽ mua sách đều đặn mỗi tuần. Trái với một số quan điểm mua sách là để đọc ngay, đôi khi mình mua sách nhanh hơn tốc độ đọc (tất nhiên có những lúc ngược lại nếu sách dễ đọc) nên việc thường xuyên có sách chưa đọc trong tủ sách ở nhà hoặc ở công ty là bình thường. Tất nhiên là trước sau gì cũng đọc thôi chứ không phải để đóng bụi.

Tình huống thứ hai là mua sách ngẫu hứng, tức là vô tình thấy cái hình bìa đẹp, thiết kế cầu kỳ, nội dung trình bày đẹp là mua. Hoặc đơn giản là thấy một số review trên mạng về 1 cuốn sách nào đó hoặc được đề cập trong một cuốn sách khác. Để đảm bảo an toàn kinh tế, mình luôn dành ra ngân sách cố định trong 1 tháng để mua sách, tránh tình trạng mua quá tay như mấy chị em tiêu xài thả ga, lúc nhìn lại thì hối hận.

Mua sách ở đâu?

Một khi quyết định mua sách thì hiện tại có khá nhiều nguồn để bạn mua sách. 3 nguồn mình hay mua sách nhất là Hiệu sách, Tiki và Amazon. Đôi khi cũng mua shopee vì có một số cuốn không tìm ra ở hiệu sách hoặc tiki thì hết hàng.

Đối với sách tiếng Việt thì kinh nghiệm cho thấy là mua trên Tiki rẻ hơn 15-30% nên tiết kiệm kha khá cho những cuốn sách trên 100k. Còn nếu khi đang dạo nhà sách thì nếu sách dưới 100k và ưng ý thì mình thường mua luôn tại chỗ cho lẹ, đỡ chờ đợi setup giao hàng.

Còn về sách tiếng anh thì mặc dù Tiki có một số đối tác bán sách tiếng anh như Fahasa, Experal…nhưng phần lớn sách không nhiều, mình cũng chỉ mua vài cuốn trên tiki mà thôi vì gu sách lựa chọn nhập hàng không hợp. Còn phần lớn mình sẽ lựa chọn sách trên Amazon và nhờ dịch vụ ship hàng amazon mua hộ. Phải nói sau rất nhiều thời gian thì mình cũng tìm được một đối tác ưng ý để mua sách từ Amazon hơn 1 năm qua, bạn có thể liên hệ page ShipHangUS.GlamourShopping, chat đưa link sách trên Amazon để nhờ bên đó báo giá final khi về Việt Nam nhé (nhớ nói có Tuấn hay mua sách amazon giới thiệu để biết đâu bên đó tặng quà cho tui).

Mua sách gì?

Bám sát vào mục đích đọc sách của mình thì bạn sẽ biết nên mua sách gì. Phần này mình chỉ đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp bạn đỡ quyết định sai lầm khi mua sách.

Tìm theo chủ đề: phần lớn chúng ta mua sách theo các chủ đề mình quan tâm nên nếu tìm sách hoặc được giới thiệu sách theo chủ đề hứng thú thì bạn sẽ dễ dàng ra quyết định hơn.

Tìm theo nhà xuất bản, công ty sách: nếu đọc sách nhiều, bạn sẽ thấy có những nhà xuất bản uy tín và sách của các đơn vị này đọc hay hơn. Lý giải việc này thường do các đơn vị lớn thường hợp tác với các tác giả nổi tiếng, lấy độc quyền xuất bản với những sách best seller nên sách của họ cũng dễ được tiếp nhận hơn so với các đơn vị “chân ướt chân ráo” vào ngành này. Tất nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi bởi phí bản quyền, tác giả sẽ cao và các đơn vị này phải chịu các rủi ro này nếu sách…ế.

Tìm theo tác giả: một vài người sẽ có ưu ái hơn cho một số tác giả mình yêu thích và đọc sách của những tác giả đó nhiều hơn vì mỗi tác giả thường dính vào một chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Sẵn đây mình cũng có một lời khuyên là đừng nên đọc một cuốn sách không có tác giả hoặc không biết tác giả là ai.

Đối với mình, tối kỵ nhất là khi đọc một cuốn sách mà không nắm được bối cảnh, trình độ (nếu sách chuyên môn) của người viết và khi muốn “góp ý” thì cũng sẽ không biết góp ý thế nào và bị rơi vào trường hợp “cha chung không ai khóc”, sẽ khiến tác phẩm là một sự góp nhặt mơ hồ.

Mua sách thế nào?

Phần lớn sách mình mua là sách giấy (xin lỗi các bạn theo trường phái bảo vệ môi trường ^^!), nhưng quả thật cầm một cuốn sách giấy, ghi chú, đánh dấu lên đó vẫn mang lại một cảm giác khoan khoái và sở hữu điển hình khi đọc sách giấy.

Trong một số trường hợp thì buộc phải mua ebook (amazon) nhưng quả thật đọc khá nhanh và không sâu lắng bằng sách giấy. Nếu Amazon có cuốn sách giấy và cả ebook thì phần lớn mình đều đặt mua sách giấy và chờ ít nhất 2 tuần để cầm trên tay và đọc nó.

Hiện tại có thể loại sách nói, tức là thay vì nghe nhạc thì mình nghe người ta đọc sách. Thử vài lần từ chục năm trước và năm nào cũng thử nhưng hoàn toàn không phù hợp với mình bởi cá nhân mình thấy đọc sách là một hành động chủ động và đơn tác vụ. Trong khi nghe là một hành động bị động và khuyến khích đa tác vụ, nên bạn thường vừa nghe nhạc, vừa làm gì đó và lỡ nhạc có trôi qua mà bạn không nghe kịp thì cũng kệ, có bao giờ kéo lại 5s để nghe lại không? Có thể chính vì 2 yếu tố đó mà sách nói không tiếp cận với mình được. Có thể nó hợp với bạn và nên thử xem sao.

Ngoại truyện #1: ghi chú về thiết kế

Nhìn lướt qua “ngoại quan” của một cuốn sách thì bạn có thể đánh giá là nên mua sách đó hay không. Có người nói rằng không nên đánh giá cuốn sách dựa vào cái bìa, nhưng hiện tại, với số lượng sách xuất bản rất nhiều hằng năm, và tôi đảm bảo với bạn 95% trường hợp nhìn vào cái bìa bạn sẽ đánh giá được có cần bỏ qua cuốn đó hay không.

Nếu một cuốn sách đáng đọc thì tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách sẽ cố gắng (không nhiều thì ít) cho một cái bìa đáng xem. Nếu không phải là sách dịch (bìa thường chuẩn và theo quy cách của sách gốc) thì sách mới sẽ cần một cái bìa đơn giản, thể hiện được tâm ý chung của cuốn sách là được. Bạn có muốn đọc những cuốn sách mà bìa như mấy cuốn sách đại cương hồi học đại học hoặc mấy cuốn luật, triết học?

Bên cạnh thiết kế bìa sách, font chữ của nội dung sách cũng đáng bàn. Đôi khi bạn bắt gặp một cuốn sách mà font chữ bự gấp đôi thông thường, và dường như nhìn vào chỉ thấy là sách dày do chữ bự chứ không phải nội dung nhiều. Đối với loại sách này thì cũng không nên mua, trừ sách dành cho người cận thị.

Ngoại truyện #2: ghi chú về sách giả

Ngày nay, vấn nạn sách giả được các công ty sách chia sẻ và đề cập đều đặn trên tất cả các mặt trận và có đọc ngày càng nhiều thì mình không muốn mua phải sách giả. Tác hại của nó thế nào thì bạn cũng có thể tự tìm hiểu, tác hại nhất đối với mình là sẽ không còn sách chất lượng trong tương lai nếu tình trạng này tiếp diễn.

Mua sách trên Lazada: Hiện tại, mình có thử tìm một số sách công nghệ trên Lazada (vì các site khác không có) thì có đơn vị bán, hỏi vì sao sách tiếng anh mà rẻ vậy thì được báo là không phải sách giả đâu, chỉ là sách hardcopy (là sách photocopy) và sách clone (OMG!!!). Nếu là sách copy thì cứ nói là sách copy, không phải sách thật để mình lượn cho lẹ, đằng này làm vậy sẽ ảnh hưởng đến những người mua sách thật.

Ngoại truyện #3: ghi chú về bọc sách

Có nhiều người rất thích được bọc sách và bọc miễn phí càng khoái, mình thì ngược lại. Khi cuốn sách của bạn được bọc có nghĩa là nó phải bị bóc tem, bóc seal và bẻ cong bìa để đưa cái bọc sách vào, nếu làm không khéo sẽ khiến cho bìa sách bị hư phần gáy trước và sau, khiến sách mới sẽ trông rất rẻ tiền.

Xin các công ty có ưu đãi bọc sách miễn phí tự động hãy cho người mua một option đừng bọc sách bởi vì 100% trường hợp khi nhận được 1 cuốn sách được bọc sẵn thì mình đều cắt bỏ cái bọc ra và chửi rủa cái tên nào gấp cái bìa sách của mình.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về việc tưởng chừng như đơn giản là đi mua sách.

 

Categories
Review sách

Review sách “Chủ nghĩa Khắc kỷ” của William B. Irvine

Lần đầu tiên đọc một cuốn sách về triết học mà cảm thấy hào hứng như cuốn này và quả thực sách đã để lại một ấn tượng cực kỳ sâu sắc đến cá nhân mình nên nay viết vài dòng review để mọi người có thêm chút thông tin về cuốn sách “Chủ nghĩa Khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản” của tác giả William B. Irvine.

Thấy bìa cuốn này vài tháng trước, lúc đó có lên wiki tìm hiểu xem chủ nghĩa Khắc kỷ là gì và cảm thấy nó như nói về con người mình, tính cách của mình nên cũng hào hứng chờ đón mua cuốn này. Và quả thật là khi cầm cuốn sách trên tay, đọc từ đầu đến cuối thì như mô tả tính cách của Tuấn đến hơn 90%.

Bản thân Tuấn và cũng như nhiều người (trong đó có cả gấu) nhận xét thì tính cách và lối sống của Tuấn có phần khác những người xung quanh, và điều này cũng dẫn đến không ít mâu thuẫn không cần thiết trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, chả hiểu sao lối tính cách này nó vô tình ăn sâu và trở thành cách sống và làm việc của mình. Mãi cho đến khi đọc xong cuốn sách này thì mình thật ngạc nhiên là mình sống khá giống với những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ …cách đây gần 2000 năm.

Chủ nghĩa Khắc kỷ có từ thời Hy Lạp (thế kỷ 3, trước công nguyên), bị “thất truyền” hơn cả ngàn năm và dạo gần đây mới được chú ý bởi tính chất và phong cách đặc trưng của chủ nghĩa sống này. Cuốn sách này trình bày lịch sử ra đời của chủ nghĩa Khắc kỷ, những cái tên nổi bật đại diện cho trường phái triết học này như Seneca, Epictecus và nhất là vị vua La Mã nổi tiếng Marcus Aurelius.

Ngoài việc giới thiệu về lịch sử ra đời, phần chính của sách là nói về những tính chất, hành động được coi là kim chỉ nam cho lối sống Khắc kỷ và những hướng dẫn thực hành lối sống này. Các chỉ dẫn cách ứng phó với những tình huống trong cuộc sống nếu muốn thực hành lối sống Khắc kỷ cũng được đề cập trong sách, bao gồm hướng dẫn đối phó với sự kiểm soát, vận mệnh, bổn phận với xã hội, đối phó với sự xúc phạm, cơn giận, đau buồn, tuổi già và cả cái chết.

Ngoài ra, sách cũng bàn về sự giàu sang, theo đuổi danh vọng, địa vị đối với người sống Khắc kỷ và các yếu tố kiềm chế bản thân trước các ham muốn, dục vọng để hướng đến lối sống thuận theo tự nhiên, chỉ ưu tiên tiếp nhận sự tích cực, vui vẻ và tránh xa, bỏ qua những điều tiêu cực, không lành mạnh.

Quả thật là khá ngạc nhiên khi thấy mình có lối sống khá gần với người theo trường phái Khắc kỷ khi đọc hết các mô tả tâm lý và hướng dẫn thực hành trường phái này. Ít ra có thể thấy mình cũng có một triết lý sống để đeo đuổi và giúp mình nhanh chóng ra các quyết định hằng ngày trong cuộc sống và công việc.

Tác giả cũng khuyến cáo không phải ai cũng có thể theo đuổi trường phái Khắc kỷ cũng như không có trường phái nào là tốt nhất, mỗi người, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy cho mình một trường phái thích hợp để định hình lối sống của mình.

Mình có trích dẫn một số đoạn hay từ sách, hy vọng các bạn sẽ thấy được phần nào đặc trưng của trường phái Khắc kỷ.

Khi nói về Sự xúc phạm:

“Trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, dần dà chúng ta sẽ không còn quan tâm đến ý kiến của người khác về mình. Chúng ta sẽ không sống nhằm đạt được sự chấp thuận hay tránh né sự phản đối của họ, và bởi chúng ta không quan tâm đến ý kiến của họ, chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn khi bị họ xúc phạm. Kỳ thực, một nhà hiền triết theo phái Khắc kỷ có lẽ sẽ xem hành vi xúc phạm của những người xung quanh như tiếng chó sủa bên tai. Khi một con chó sủa, ta có thể nghĩ thầm rằng con chó kia dường như không ưa ta, nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu ta để cho mình bực tức vì chuyện này và đắm chìm trong suy nghĩ, “Ôi, trời! Con chó kia không ưa mình!”

Bàn về cuộc sống xa hoa:

“Một người khắc kỷ sẽ làm gì nếu người ấy giàu có, mặc dù không chạy theo giàu sang? chủ nghĩa Khắc kỷ không yêu cầu người đó từ bỏ sự giàu sang; nó cho phép họ tận hưởng sự giàu sang và sử dụng của cải để mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh.”

“Khi chúng ta thấy mình đang khao khát một điều gì đấy, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu ham muốn của ta là thuận tự nhiên hay trái tự nhiên, và nếu nó có trái tự nhiên, ta nên nghĩ kỹ về việc thỏa mãn nó. Seneca cảnh báo, sự xa hoa dùng mưu kế để thúc đẩy những thói hư tật xấu: Trước tiên, nó khiến chúng ta muốn thứ không cần thiết, sau đó nó làm chúng ta muốn những thứ nguy hiểm cho ta. Chẳng mấy chốc, tâm trí trở thành nô lệ cho những ý thích nhất thời và khoái lạc của cơ thể.”

Trở thành người Khắc kỷ:

“Nhìn chung, có một triết lý sống, dù là triết lý Khắc kỷ hay những triết lý khác, có thể đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn đã có một triết lý sống thì việc đưa ra quyết định sẽ tương đối đơn giản: Khi cân nhắc giữa các tùy chọn mà cuộc sống mang đến, bạn đơn giản sẽ chọn một thứ (phù hợp nhất) có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu đề ra bởi triết lý sống của bạn. Khi thiếu một triết lý sống thì ngay cả những lựa chọn tương đối đơn giản cũng có thể trở thành cuộc khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống. Suy cho cùng bạn khó mà biết nên chọn cái gì khi thực sự không chắc chắn về điều mình muốn.”

Sau khi đọc sách này thì mình sẽ mạnh dạn hơn cho mảng sách về triết học và hy vọng khám phá nhiều hơn các trường phái khác. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về chủ nghĩa Khắc kỷ và nhìn triết học như một môn khoa học thường thức và giúp cải thiện suy nghĩ và cuộc sống hằng ngày.

Categories
Miscellaneous

Bàn về mục đích đọc sách

Sáng nay khí trời mát mẻ, lại là dịp đầu tháng nên kiếm một đề tài nhẹ nhàng và gần gũi để viết trong thời gian chờ anh em đồng nghiệp vào làm. Mình định viết về đề tài sách cũng khá lâu nhưng chưa biết bắt đầu thế nào, chợt nhớ đến cách đây ít lâu có đọc một bài blog về việc nếu chúng ta ngưng sử dụng các mạng xã hội (facebook, twitter,..) thì có thể dành thời gian đó đọc khoảng 200 cuốn sách trong một năm. Wow!!!

Nếu đọc những bình luận của bài viết đó, cũng như bình luận từ những trang dẫn link (VD: Reddit, Hackernews..) thì thấy có nhiều luồng bình luận, đại khái là có 2 nhóm chính xoáy vào việc tác dụng của việc đọc sách là đọc nhiều cũng chả có tác dụng gì và một nhóm là đọc có tác dụng. Tất nhiên, mình ủng hộ nhóm đọc sách có tác dụng và đọc càng nhiều càng có tác dụng nhiều. Chẳng thế mà Warren Buffer đọc mỗi ngày 800 trang, Bill Gates mỗi năm đọc hơn 50 cuốn.

Như nhiều bạn cũng biết là Tuấn thích đọc sách và chia sẻ về sách. Để tránh các bạn trẻ (kể cả bạn già) bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đọc sách không có tác dụng và đọc nhiều sách là vô ích nên Tuấn mới quyết định làm loạt bài “Bàn về sách” gồm 4 phần:

  • Bàn về mục đích của sách (bài viết bạn đang xem)
  • Bàn về mua sách
  • Bàn về đọc sách
  • Bàn về hậu đọc sách

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ về mục đích của việc đọc sách và giúp các bạn không bị lạc lối trong đống sách. Như hầu hết chúng ta đã được “dạy dỗ”, mục đích đọc sách từ khi học lớp 1 đến tốt nghiệp đại học (hoặc cao học) là đọc sách giúp tăng khả năng thi đậu và lấy lòng bạn bè, thầy cô, giáo sư. Không thể phủ nhận là cho đến ngày nay, một vài kiến thức trong sách giáo khoa đang nằm trong tiềm thức của bạn đôi khi “hiện” về giúp bạn một số tình huống nào đó mà bạn ít ngờ được.

Khi mình dùng từ sách, các bạn có thể hiểu là mình đang đề cập đến những ấn phẩm để đọc, in thành nhiều trang và đóng thành tập như sách, truyện, manga, comic, tạp chí, sách tranh…

Nhìn chung, mình phân loại mục đích của việc đọc sách thành 3 mục đích chính:

  1. Đọc sách để giải trí
  2. Đọc sách để học hỏi
  3. Đọc sách để làm kinh tế

Đọc sách để giải trí

Đây là mục đích dễ dàng nhận thấy được khi các bạn đọc các sách văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết…mục đích là giải trí nên đọc thể loại này không chú trọng vào kiến thức thu gặt được mà chú trọng vào cảm xúc, mô tả không gian được tác giả dựng lên, từ không gian kì ảo trong các truyện thần tiên, không gian bí ẩn trong các thể loại kinh dị, trinh thám hay không gian đời thường như các truyện ngôn tình hiện đại…

Chính vì mục đích giải trí nên nhiều nhà-đọc-sách-thượng-đẳng thường chỉ trích, chê bai các bạn thích đọc văn học, tiểu thuyết. Tuy nhiên, có thể họ chưa đọc thử hoặc không có thời gian để đọc thể loại sách này. Nếu đọc sách sẽ thấy những bộ phim chuyển thể từ sách ít khi nào hay bằng sách. Bởi đọc sách truyện mô tả, buộc bạn phải duy trì một khối lượng trí nhớ gần như là dài hạn cho toàn bộ nhân vật, kèm theo đó là lưu giữ được mạch truyện.

Bên cạnh đó, một kỹ năng mà mình đánh giá cao nhất là khả năng tưởng tượng không gian, bối cảnh cho các tình tiết trong sách. Mình có đọc một cuốn sách có đề cập đến một nghiên cứu cho thấy những người có khả năng hình dung, tưởng tượng được một hình học không gian thì có khả năng tư duy logic tốt hơn và khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận để phát triển khả năng tượng hình.

Ngoài ra, có nhiều sách là truyện ngắn, tiểu thuyết đọc thấy ly kì nhưng lại đem lại cho bạn nhiều kiến thức về vùng miền, lĩnh vực mà ngữ cảnh cuốn sách mang lại như những câu chuyện về du lịch, trinh thám công nghệ…

Do đó, đừng xem thường những cuốn sách viết ra với mục đích giải trí, đôi khi tác dụng nó mang lại thấm sâu hơn vào tiềm thức mà bạn không hề biết được.

Đọc sách để học hỏi

Đây là mục đích mà nhiều người-đọc-sáchngười-không-đọc-sách nghĩ tới thường xuyên cho việc đọc sách. Và cũng chính mục đích này dẫn đến không biết bao nhiêu tranh cãi về tác dụng của đọc nhiều sách. Nguyên nhân sâu xa của việc tranh cãi này nằm ở việc chúng ta đánh đồng và nhầm lẫn giữa việc đọc, hiểu và nhớ. Họ (những người chỉ trích) nói rằng đọc nhiều sách mà không nhớ, không hiểu gì hết thì thà khỏi đọc cho rồi vì đọc xong có nhớ gì đâu.

Bản thân hành động đọc sách là một hành động đơn thuần, dùng mắt, miệng để đưa câu chữ chạy qua não và hy vọng những con chữ này lưu lại ở não càng lâu càng tốt (gọi là nhớ) và biết được cách sử dụng, ý nghĩa của những câu chữ chạy qua (gọi là hiểu). Bạn có nhớ ngày xưa mình học thuộc lòng bảng cửu chương thế nào chứ và ngày nay vẫn dùng?

Nếu không nhớ, không hiểu thì coi như là không đọc là một quan điểm sai lầm của nhiều cán-bộ-lão-thành-bận-mưu-sinh, bởi vì ngoài việc lưu vào tiềm thức, nó sẽ thúc đẩy thay đổi hành động mỗi ngày. Không tin bạn có thể thử vào nhà sách tìm 10 cuốn sách về tình yêu mà đọc, đảm bảo bạn sẽ ngọt ngào hơn. Hoặc kiếm những thể loại truyện kinh dị, chém giết đẫm máu mà đọc, đảm bảo não bạn sẽ hoạt động hết công suất. Và kể cả nó cũng ảnh hưởng vào giấc mơ đấy, thử đi. Đây chính là tác dụng đọc sách ảnh hưởng tiềm thức.

Các bạn có thể nói lĩnh vực tiềm thức là một lĩnh vực bí ẩn, chưa khám phá kỹ nên mình lấy ví dụ khác cho việc đọc rồi quên mà đem lại tác dụng. Đây là lý do chính mà mình thích đọc nhiều sách, chính là vén bức màn ngu dốt. Có một nghịch lý kỳ lạ là con người càng ít đọc (ít học) thì lại càng thấy mình ít ngu dốt hơn những người đọc nhiều (học nhiều) !!!. Càng đọc càng thấy mình ngu dốt. Đấy chính là tư tưởng của hiệu ứng Dunning–Kruger mà mình có một bài viết cách đây 10 năm.

Việc đọc nhiều sách không phải chỉ để nhớ, học thuộc lòng, hiểu tường tận mà đôi khi đơn giản chỉ là đễ bớt ngu về một thứ gì đó, như là những địa danh ở Nhật hoặc những kiến thức trong ngành y học, vật lý học… mà nếu không đọc thì cả đời cũng không nghĩ là có những cái như vậy.

Một khi bức màn ngu muội của bạn được vén ra ngày một nhiều, mà mình hay nói là bức màn vô minh của mình ngày càng được vén ra thì mình nhìn mọi thứ với con mắt thông cảm và dễ hiểu hơn và lại thích đọc ngấu nghiến hơn nữa. Do đó, đừng nghe ai nói là đọc sách nhiều không có tác dụng, đó là lời khuyên từ những người không bao giờ đọc sách và cảm thấy ganh tỵ với những người có thời gian đọc sách và ngày càng bớt ngu muội.

Đọc để làm kinh tế

Đây là nhóm nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng. Có một số ngành nghề kiếm tiền trực tiếp từ việc đọc sách. Nhưng nhóm đọc để làm kinh tế  mình nói đến là những người đọc sách rồi “thông báo” lên Facebook, Twitter…PR, lấy chút danh tiếng từ cộng đồng. Thực ra bạn đọc sách hay, khoe lên mạng để người khác biết là việc bình thường (mình cũng hay khoe lên Facebook kiếm vài xu nổi tiếng mà).

Mình vẫn luôn đánh giá cao những người khoe sách lên mạng xã hội bất kể bạn có đọc cuốn sách đó hay chưa. So với những người suốt ngày khoe điện thoại, quần áo, xe cộ, gái gú…thì khoe sách vẫn tốt hơn nhé. Hãy khoe khi còn có thể, ít ra bạn cũng đã mua sách, có công suy tư về sách và suy tư cho cộng đồng, giúp sách đi xa hơn đến mọi người.

Như vậy, thông qua bài này mình đã chia sẻ những góc nhìn cá nhân về việc đọc sách và đọc nhiều sách. Bản thân mình đặt mục tiêu năm nay sẽ đọc 100 cuốn nên sẽ cố gắng nhiều hơn trong việc cân bằng cuộc sống, công việc và…đọc sách. Nếu bài viết có phần đụng chạm đến những anh hùng không cần đọc sách vẫn giỏi và hết vô minh thì cho mình tạ lỗi. Bài tiếp theo sẽ bàn về mua sách, Tuấn sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc lựa chọn và mua sách thế nào.

Categories
Review sách software Tech Startup Technology

Review sách “Product-Led Growth” của Wes Bush

Hôm nay review đến mọi người cuốn sách tiếng Anh mà đọc không rời mắt và hoàn thành sau một ngày chỉ với vài tiếng và có thể nói đọc nhanh hơn cả tiếng Việt. Bởi tính chất hấp dẫn và hữu ích của sách này nên dành hẳn 2 tiếng để làm sketch note và chia sẻ với mọi người để cùng tham khảo cũng như giúp các bạn dễ dàng quyết định mua sách này. Đó là cuốn “Product-Led Growth: How to Build a Product That Sells Itself” của Wes Bush.

Sách này gồm 3 phần và phần nào cũng cực kỳ hấp dẫn. Phần đầu nói về việc đánh giá và so sánh giữa công ty product-led và sales-led để giúp bạn đưa ra quyết định tiếp cận phù hợp với mô hình tổ chức cũng như đặc thù sản phẩm và thị trường. Phần tiếp theo nói về phương pháp tiếp cận khách hàng và phần cuối là phương pháp tối ưu hệ thống bán hàng, marketing.

Nếu bạn nào đang hoặc sắp tham gia lĩnh vực cung cấp phần mềm, đặc biệt là Saas như Tuấn thì sẽ không nên bỏ qua cuốn sách này vì có rất nhiều thông tin cực kỳ bổ ích. Từ lên chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược giá cũng như chiến lược marketing để mang lại khách hàng, doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Bên dưới là ghi chú cho từng phần từ sách, và mỗi chương trong sách cũng sẽ được chụp cận cảnh để giúp bạn thấy rõ hơn các nội dung chi chú của Tuấn. Xin thứ lỗi nếu chữ viết không rõ, tuy nhiên, nếu thấy nội dung hay thì bạn có thể mua để ủng hộ tác giá, sách có rất nhiều ví dụ và nội dung hay mà phần ghi chú mình chia sẻ trên đây không đề cập như các chương liên quan đến những sai lầm mắc phải khi cải tiến..

Ghi chú về phần 1

– So sánh mô hình giữa chiến lược sales-led và product-led để cho thấy hai cách tiếp cận khác nhau của việc phát triển sản phẩm.

Sanh sánh 2 mô hình sales-led và product-led và vì sao trong một công ty theo product-led thì các bộ phận đều hướng tới sản phẩm (product).
Dựa vào đặc thù sản phẩm và mô hình kinh doanh mà có các chiến thuật tiếp thị khác nhau để đem lại lợi thế cạnh tranh.
Hai hướng tiếp cận bán hàng khác nhau đó là Top-Down và Bottom-Up. Đối với doanh nghiệp làm Saas thì tốt nhất là theo chiến lược Bottom-Up bởi sẽ dễ dàng tiếp cận với tập khách hàng lớn, tiết kiệm chi phí và có thể dự đoán được doanh thu.

Ghi chú về phần 2

Mô hình UCD hướng đến khách hàng để đưa ra những thông tin phù hợp đến khách hàng.
Hiểu được các giá trị của sản phẩm bạn mang lại cho khách hàng.
Các chiến lược giá để giúp bạn đưa ra những bảng giá tính năng phù hợp nhất cho sản phẩm của mình và kèm theo nhiều phương pháp định lượng, định tính để giúp bạn ra bảng giá phù hợp nhất.

 

Phương pháp tối ưu để đem lại giá trị như đã truyền thông đến khách hàng.

Ghi chú về phần 3

Đây là phần được đánh giá là hay nhất và có nhiều kiến thức thực tế nhất để làm theo và áp dụng nhằm tối ưu hệ thống marketing và bán hàng.
Mô hình ICE để tìm ra những tính năng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất giúp cải tiến sản phẩm.
Áp dụng The Bowling Alley Framework để tăng số lượng khách hàng.
Một số phương pháp để tối ưu doanh thu trung bình trên một người dùng (ARPU)
Phân loại churn và một số phương pháp giúp giảm tỷ lệ churn để hạn chế ảnh hưởng đến việc thất thoát doanh thu.

 

Đọc thêm về sách này tại https://www.amazon.com/Product-Led-Growth-Build-Product-Itself/dp/1798434520.

Hiện tại Tuấn vẫn luôn tìm kiếm những bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và growth, đặc biệt cho các sản phẩm phần mềm Saas. Nếu bạn quan tâm có thể email tới [email protected] để trao đổi thêm nhé.

Categories
Review sách software Technology

Review sách “The Mythical Man-Month” của Frederick P. Brooks

Tuần này mình sẽ review một cuốn sách khá hay dành cho các project manager có tựa là “The Mythical Man-Month”. Cuốn sách này lần đầu xuất bản 1975, tính ra cũng được 45 năm. Tuy đã viết từ lâu như vậy nhưng hầu hết những kinh nghiệm, quan sát và kết luận vẫn còn đúng cho ngành phát triển phần mềm hiện nay.

Brooks là một cây đa cây đề trong ngành phần mềm và thời điểm viết sách này (1975) là ông đang quản lý team phần mềm tại IBM. Cá nhân mình lập trình hơn 15 năm và quản lý nhiều dự án thì thấy những tư tưởng của tác giả đến nay vẫn dùng được. Sách viết từ 1975 nên tiếng Anh thời đó đọc tra từ điển cũng đuối vì có nhiều từ, mẫu câu đã cũ hoặc khá hàn lâm, đọc cũng nhức não mới hiểu nổi ý nghĩa.

Sách gồm 17 chương, trong đó có 4 chương mới được viết thêm vào 1995 nhân kỷ niệm 20 năm xuất bản. Sách này chình là khởi nguồn cho định luật Brooks cũng khá nổi tiếng là “Adding manpower to a late software project makes it later” (Đưa thêm người vào 1 dự án đang trễ, sẽ chỉ khiến nó càng trễ hơn).

Sách bao gồm những bài luận ngắn, riêng lẻ về các đề tài xoay quanh việc quản lý dự án phần mềm như về tài nguyên hệ thống, phần cứng, đội nhóm, nhân sự, dự án, tài liệu nội bộ, manual cho người dùng, sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức, cũng như những khó khăn trong xây dựng phần mềm mà sẽ không có phương pháp triệt để nào giải quyết dứt điểm.

Chương mình thích hơn hết là Chương 2 (The Mythical Man-Month, cũng là tựa sách luôn) và chương 16 (No Silver Bullet – Essence and Accident in Software Engineering). Chương 2 là khởi nguồn cho định lý Brooks, liên quan đến việc phân tích sự liên hệ giữa nhân sự và thời gian (Man-month) và chỉ ra những trường hợp nào thì việc tăng người mới hiệu quả và cũng giải thích tại sao không hiệu quả trong những trường hợp khác. Chương 16 bàn về khó khăn khi triển khai cũng đưa ra nhiều góc nhìn và quan điểm khiến cho việc phát triển phần mềm sẽ luôn gặp khó khăn bởi có nhiều vấn đề là không thể thay đổi hay có giải pháp tối ưu để giải quyết.

Ngoài hai chương này ra, thì các chương khác bàn về documentation, manual cũng rất hay. Có hai khái niệm khác được đề cập và đến nay thấy hữu ích là “Conceptual Integrity” (yêu cầu cho thiết kế hệ thống) và “Second-System Effect” (các bạn startup sẽ thấy chương này hữu dụng vì nó chỉ ra hiệu ứng second-system, khiến cho việc bạn xây dựng những hệ thống quá phức tạp, ảnh hưởng đến thời gian release dự án bởi vì bạn…quá giỏi giang trước đó – thành công của First system).

Bên dưới là nội dung tóm lượt của Chapter 2 (The Mythical Man-Month) mình copy ra đây để các bạn lấy ý tưởng.

2. The Mythical Man-Month

2.1 More programming projects have gone awry for lack of calendar time than for all other causes combined.

2.2 Good cooking takes time; some tasks cannot be hurried without spoiling the result.

2.3 All programmers are optimists: “All will go well.”

2.4 Because the programmer builds with pure thought-stuff, we expect few difficulties in implementation.

2.5 But our ideas themselves are faulty, so we have bugs.

2.6 Our estimating techniques, built around cost-accounting, confuse effort and progress. The man-month is a fallacious and dangerous myth, for it implies that men and months are interchangeable.

2.7 Partitioning a task among multiple people occasions extra communication effort-training and intercommunication.

2.8 My rule of thumb is 1/3 of the schedule for design, 1/6 for coding, 1/4 for component testing, and 1/4 for system testing.

2.9 As a discipline, we lack estimating data.

2.10 Because we are uncertain about our scheduling estimates, we often lack the courage to defend them stubbornly against management and customer pressure.

2.11 Brooks’s Law: Adding manpower to a late software project makes it later.

2.12 Adding people to a software project increases the total effort necessary in three ways: the work and disruption of repartitioning itself, training the new people, and added intercommunication.


Sách có thể mua trên Amazon. Chúc mọi người một tuần vui vẻ.

Categories
Technology

Xây dựng hệ thống Log cho Microservices

Hôm qua mình có làm speaker chia sẻ về kiến trúc hệ thống Log của Teamcrop.com, thấy nhiều bạn hưởng ứng và quan tâm quá nên mình khai trương blog năm mới bằng một bài viết ngắn nói về chủ đề này.

Xây dựng hệ thống log được đánh giá rất quan trọng, đặc biệt đối với các hệ thống đang trong giai đoạn tăng trưởng người dùng và mở rộng tính năng. Có nhiều hướng tiếp cận khác nhau để triển khai hệ thống log, từ việc sử dụng các dịch vụ Saas có sẵn, không cần cài đặt hay server gì như các hệ thống Loggly, DataDog, Papertrail…cho tới các open source như Graylog, ELK (ElasticSearch, Logstash, Kibana) Stack, Grafana…Tuy nhiên, do đặc thù của dữ liệu, số lượng log và tốc độ truy xuất mà Teamcrop buộc phải thiết kế một hệ thống log riêng để giải quyết các vấn đề về chi phí lưu trữ và vận hành.

Để xây dựng hoặc tìm hiểu một hệ thống Log, chúng ta cần thấy được các thành phần của hệ thống Logging bởi performance và tính tiện dụng đều dựa vào mô hình hệ thống Log. Mình tạm chia một hệ thống Log thành ba thành phần cơ bản là Collector, Storage và Dashboard.

  • Collector là phân hệ chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu log từ các nguồn cung cấp (syslog, access log, error log, api request, sql query..)
  • Storage là thành phần sẽ lưu trữ dữ liệu log, có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn, ví dụ như RabbitMQ (tạm thời), File System (tạm thời), MySQL, Clickhouse…
  • Dashboard là thành phần sẽ truy xuất vào storage và hiển thị dữ liệu bao gồm data table, biểu đồ, dashboard…đến đối tượng cần coi log.

Để dễ dàng tiếp cận với các vấn đề của Log, trước tiên chúng ta cần phân loại log vì mỗi loại log sẽ có đặc tính khác nhau về số lượng cũng như cách truy xuất, sử dụng. Mình tạm phân loại Log thành 2 loại: Business và Operation Log.

Business Log

Business Log là những loại log giúp hỗ trợ các hoạt động và quyết định của doanh nghiệp. Như các Usage Log liên quan đến sử dụng các tính năng trên giao diện để bộ phận marketing, product dễ dàng ra quyết định liên quan đến kinh doanh và phát triển sản phẩm. Đối với loại log này thì hiện tại có ông trùm và được sử dụng khá nhiều là Google Analytics. Nếu cần open source thì có thể sử dụng Matomo (tiền thân là Piwik) để cài đặt trên server của bạn, tính năng của Matomo cũng gần như Google Analtyics.

Một loại Business Log khác mà mình đề cập trong phần chia sẻ là Critical Function Log dành cho những nghiệp vụ quan trọng, giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống và khôi phục được trong trường hợp sự cố xảy ra và có thể tạo được dữ liệu. Log này quan trọng vì trong một kiến trúc Microservices thì có thể do cấu hình, cài đặt hoặc lỗi hệ thống khiến cho 1 service có thể bị cô lập và không gọi được các service khác trong quá trình thực thi. Ví dụ như tạo đơn hàng (service Đơn hàng) sẽ gọi các service như Sản phẩm, Tồn kho, Khách hàng, Thu chi…để hỗ trợ quá trình tạo đơn hàng. Nếu trong quá trình tạo đơn hàng mà toàn bộ các service khác không thể truy cập thì service Đơn hàng sẽ có một cơ chế an toàn riêng để đảm bảo dữ liệu request lên (raw POST data) được backup tạm thời phòng trường hợp cực hạn này. Số lượng tính năng áp dụng cơ chế log này là không lớn.

Loại log cuối cùng trong nhóm Business Log mà mình muốn đề cập là Auditing Log. Loại log này khá là quan trọng và nếu bạn đang phát triển các hệ thống Enterprise không thể bỏ qua. Auditing Log giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng phát hiện các hoạt động bất thường, quan trọng (như xóa, import, export dữ liệu…) để kịp thời có hướng xử lý. Auditing Log còn có thể thiết kế như một hệ thống Change Log để lưu lại lịch sử thay đổi dữ liệu của 1 record (như đơn hàng, khách hàng…). Nếu có tìm hiểu về Microservices thì các bạn sẽ thấy cách thức lưu change log này của Auditing Log khá giống với pattern Event Sourcing (ES) trong mô hình CQRS/ES.

Trong hầu hết trường hợp thì chúng ta ít khi tập trung vào tự xây dựng business log bởi đối với loại này phải được phân tích kỹ và chỉ định cụ thể dịch vụ nào, tính năng nào cần được log (Auditting, Critical, Usage) để tiến hành lập trình nâng cấp.

Operation Log

Nhóm log thứ hai được đánh giá là có tác động to lớn đến quá trình tối ưu, cải tiến hệ thống là Operation Log. Một số loại log thuộc nhóm này bao gồm: Operating System, General Log, API Request, SQL Query và Distributed Tracing.

Operating System Log là nhóm log cơ bản giúp theo dõi và đánh giá tình hình chung của hệ thống như ổ cứng, memory, cpu, network IO…đối với nhóm log này thường đi kèm với hệ thống monitoring và bên Teamcrop sử dụng NodeQuery.com để theo dõi vì hệ thống NodeQuery khá tốt và đơn giản, kèm với giao diện dashboard rất dễ dùng và cơ chế alert hiệu quả. NodeQuery cũng được rất nhiều công ty trên thế giới sử dụng.

Loại log tiếp theo trong nhóm Operation Log là General Log, bao gồm những Log liên quan đến hoạt động của Nginx, PHP…và những custom log message do bạn ghi xuống trong quá trình vận hành hoặc debug hệ thống. Cùng với API Request Log, SQL Query Log thì mình tự xây dựng cơ chế log riêng bởi số lượng và tần suất log rất cao, việc sử dụng các hệ thống khác hoàn toàn không hiệu quả về hiệu suất và kinh tế.

API Request Log là loại log để theo dõi toàn bộ các request vào hệ thống Microservices. Giúp bộ phận lập trình biết được performance của các request như thời gian thực thi một tính năng (execution time) cũng như memory cấp phát cho các tính năng.

SQL Query Log cũng là loại log có mục đích khá giống với API Request Log, giúp lập trình viên và DB Admin có thể theo dõi được tình hình truy vấn database, câu truy vấn nào chưa tối ưu, table nào được truy cập nhiều, tình trạng tỷ lệ master/slave trong mô hình replicate có duy trì ở mức ổn định hay không…

Cuối cùng là một loại log cực kỳ cần thiết trong quá trình vận hành một hệ thống Microservices, đó là Distributed Tracing. Hầu hết các bạn khi chuyển sang kiến trúc Microservices, sẽ hay bị trình trạng service gọi lồng vào nhau, A –> B —> C —> D thì khi có một lỗi hoặc bottleneck nào đó ở một service bên trong (vd service C) thì rất khó phát hiện và debug bởi đặc thù phân tán của kiến trúc Microservices. Để giải quyết vấn đề này thì kỹ thuật Distributed Tracing sẽ giúp ích rất nhiều. Teamcrop sử dụng Zipkin Library PHP dùng để format dữ liệu theo đặc tả OpenTracing và backend sử dụng Jaeger (dự án Open source của Uber).

Đó là toàn bộ những chia sẻ của Tuấn tại buổi meetup đầu năm 2020 ngày 09/01/2020. Bên dưới là phần Slide trình bày (có cải tiến cho dễ hiểu hơn).


Dưới đây là schema của 3 table tương tứng với 3 loại log (General Log, API Request Log và SQL Query Log) được tạo trong database ClickHouse:

CREATE TABLE log_request (
  lr_date Date,
  lr_datetime DateTime,
  lr_hour UInt8,
  lr_minute UInt8,
  lr_service String,
  lr_method String,
  lr_controller String,
  lr_action String,
  lr_companyid UInt32,
  lr_userid UInt32,
  lr_status UInt16,
  lr_exectime Float32,
  lr_memory Float32,
  lr_ip String,
  lr_depth UInt8,
  lr_source String,
  lr_traceid String,
  lr_tracespanid String
) ENGINE = MergeTree(lr_date, (lr_datetime, lr_hour, lr_minute, lr_service, lr_method, lr_controller, lr_action, lr_companyid, lr_userid, lr_status, lr_exectime, lr_memory, lr_ip, lr_depth, lr_source, lr_traceid, lr_tracespanid), 8192);;


CREATE TABLE log_sql (
  ls_date Date,
  ls_datetime DateTime,
  ls_hour UInt8,
  ls_minute UInt8,
  ls_hosttype String,
  ls_host String,
  ls_querytype String,
  ls_table String,
  ls_exectime Float32,
  ls_companyid UInt32,
  ls_userid UInt32,
  ls_traceid String,
  ls_tracespanid String
) ENGINE = MergeTree(ls_date, (ls_datetime, ls_hour, ls_minute, ls_hosttype, ls_host, ls_querytype, ls_table, ls_exectime, ls_companyid, ls_userid, ls_traceid, ls_tracespanid), 8192);


CREATE TABLE log_syslog (
  ls_date Date,
  ls_datetime DateTime,
  ls_hour UInt8,
  ls_minute UInt8,
  ls_message String,
  ls_tag String,
  ls_host String,
  ls_source String
) ENGINE = MergeTree(ls_date, (ls_datetime, ls_hour, ls_minute, ls_message, ls_tag, ls_host, ls_source), 8192);

P.S: Teamcrop.com là hệ thống phần mềm quản lý bán hàng và nhân sự, nếu bạn nào quan tâm thì có thể dùng thử và ủng hộ một startup hoàn toàn Việt Nam nhé. Nếu bạn nào hứng thú với PHP hoặc kiến trúc Microservices, thì có thể cùng tham gia xây dựng Teamcrop với Tuấn, mọi thông tin gửi vào email trong trang cuối của Slide ở trên nhé.