Suy tưởng là tác phẩm của Marcus Aurelius. Được mệnh danh là vị vua hiền triết, thánh đế, chịu ảnh hưởng từ triết học Hy Lạp chắc chắn ông đã đọc tác phẩm “Cộng Hòa” của Plato và chịu ảnh hưởng bởi triết lý: “Đất nước chỉ hạnh phúc khi nhà cầm quyền trở thành triết gia và triết gia trở thành nhà cầm quyền.” Thật sự chẳng có bao nhiêu đế vương được như ông, khi không ham thú dục lạc của cuộc sống đế vương mà lại yêu lối sống giản dị của các triết gia khắc kỷ. Tác phẩm được xuất bản tại La Mã sau khi ông qua đời, có lẽ được lưu truyền qua các học giả thành Constantinopolis trước khi thành phố này rơi vào tay người hồi giáo.
(Theo Wikipedia)
Cũng giống như người biên soạn lại tác phẩm “Suy tưởng” (tiếng anh là Meditations) của Marcus Aurelius, mình sẽ không gọi đây là một cuốn sách vì cách trình bày và nội dung của nó không giống như một cuốn sách mục đích viết cho những người khác đọc, mà dường như chỉ là những suy tư, cảm nhẩn của chính Marcus và được viết ra cho chính mình đọc và suy ngẫm, và tất nhiên nó cũng chẳng phải là một cuốn nhật ký. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết những nội dung trong sách này được viết cách đây gần 2000 năm nhưng rất chân thực và hợp thời đại.
Cách đây ít lâu thì mình có review sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ và có nói Marcus Aurelius là một trong những người tiên phong đi theo trường phái triết học này. Điều thể hiện rõ nét nhất cho nhận định này là tác phẩm “Meditations” của ông. Nếu bạn quan tâm và tìm hiểu về trường phái khắc kỷ thì sẽ thấy nội dung trong cuốn Meditations chính là đề cập về tư tưởng, lối sống của người khắc kỷ (tất nhiên không phải toàn bộ).
Đây là một tác phẩm hơi khô khan, khó đọc và có phần lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh các tư tưởng khắc kỷ về việc đối xử với các sự viện mình làm chủ hoặc không làm chủ, về sự sắp đặt của Thượng Đế, về Logos (có thể hiểu là Đạo) cũng như những lời khuyên để có một cuộc sống bình an, tránh những sân si không cần thiết. Bên cạnh đó, nghĩa vụ với cộng động như là một phần tính cách của người Khắc Kỷ cũng được đề cập nhiều.
Với cấu trúc 12 phần (gọi là 12 quyển) và nội dung hầu như không có cấu trúc, phân loại rõ ràng nên đọc dễ khiến xao lãng và … chán. Tất nhiên, dẫn đến điều này không phải là không có nguyên nhân, cuốn Meditations có thể được viết ra không phải để đọc từ đầu đến cuối, mà nó có thể được đọc ở bất kỳ đoạn nào, bất kỳ lúc nào và mỗi phần nhỏ trong một quyển có thể coi như một lời khuyên, mội bài học hoặc một câu chuyện về cuộc sống, nhân cách.
Mình chia sẻ với các bạn một số đoạn nhỏ mà mình thấy hay.
“Nếu con chó từ chối chạy theo chiếc xe ngựa thì nó sẽ bị xe ngựa lội đi, tuy nhiên nó có quyền lựa chọn: chạy, hay bị lôi đi. Cũng giống như thế, con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn và hành động của mình, cho dù những lựa chọn và hành động ấy đã được logos định trước và tạo thành một bộ phận kế hoạch của nó. Ngay cả những hành động có vẻ như-và thật sự-vô đạo đức hoặc bất công cũng thúc đẩy thiết kế tổng thể, được hiểu một cách tổng quát như hài hòa và tốt đẹp”
(Lời giới thiệu của soạn giả, không phải từ Meditations.)
“Nếu anh muốn tìm tĩnh lặng, hãy hành động ít đi. Hay (chính xác hơn): chỉ làm những gì thiết yếu, những gì logos và xã hội đòi hỏi , và theo cách cần thiết. Điều này mang lại sự thỏa mãn kép: làm ít đi, nhưng tốt hơn.
Bởi vì phần lớn những gì chúng ta chúng ta nói và làm là không thiết yếu. Nếu anh có thể hạn chế nó, anh sẽ có nhiều thời gian hơn, và nhiều tĩnh lặng hơn. Ở mỗi khoảnh khắc, hãy tự hỏi `cái này có cần thiết không?`”
(Quyển 4.24)
“Anh có thể sống một đời sống vô lo miễn là anh có thể lớn lên, suy nghĩ và hành động một cách hệ thống.
Có hai đặc tính chung giữa thần và người và các loài có lí trí.
i. Không để người khác kiềm chế anh.
ii. Đưa lòng tốt vào nghĩ và làm điều đúng, và hạn chế đưa dục vọng của anh vào đó.”
(Quyển 5.34)
“Cấm người ta muốn những thứ người ta coi là tốt cho họ thì thật độc ác. Nhưng đó chính là những gì anh sẽ không để họ làm khi anh nổi giận với hành vi sai quấy của họ. Họ đang háo hức tới những gì họ cho là tốt cho họ.
Nhưng những cái ấy không tốt cho họ.
Vậy thì nói cho họ biết. Chứng minh cho họ thấy. Thay vì chính anh nổi nóng.”
(Quyển 6.27)
“Có người khinh thường tôi.
Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: không nói hay làm cái gì đáng bị coi thường.
Có người ghét tôi. Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: kiên nhẫn và vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả họ. Sẵn sàng chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Không hằn học hoặc tỏ ra thiếu kiềm chế, mà một cách thành thật và ngay thẳng”
(Quyển 11.13)
Hy vọng một chút giới thiệu sẽ giúp bạn nào quan tâm đến trường phái Khắc Kỷ có thể tìm và đọc tác phẩm nổi tiếng này.