Categories
Review sách

Review tác phẩm “Suy tưởng” của Marcus Aurelius

Suy tưởng là tác phẩm của Marcus Aurelius. Được mệnh danh là vị vua hiền triết, thánh đế, chịu ảnh hưởng từ triết học Hy Lạp chắc chắn ông đã đọc tác phẩm “Cộng Hòa” của Plato và chịu ảnh hưởng bởi triết lý: “Đất nước chỉ hạnh phúc khi nhà cầm quyền trở thành triết gia và triết gia trở thành nhà cầm quyền.” Thật sự chẳng có bao nhiêu đế vương được như ông, khi không ham thú dục lạc của cuộc sống đế vương mà lại yêu lối sống giản dị của các triết gia khắc kỷ. Tác phẩm được xuất bản tại La Mã sau khi ông qua đời, có lẽ được lưu truyền qua các học giả thành Constantinopolis trước khi thành phố này rơi vào tay người hồi giáo.
(Theo Wikipedia)

Cũng giống như người biên soạn lại tác phẩm “Suy tưởng” (tiếng anh là Meditations) của Marcus Aurelius, mình sẽ không gọi đây là một cuốn sách vì cách trình bày và nội dung của nó không giống như một cuốn sách mục đích viết cho những người khác đọc, mà dường như chỉ là những suy tư, cảm nhẩn của chính Marcus và được viết ra cho chính mình đọc và suy ngẫm, và tất nhiên nó cũng chẳng phải là một cuốn nhật ký. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi biết những nội dung trong sách này được viết cách đây gần 2000 năm nhưng rất chân thực và hợp thời đại.

Cách đây ít lâu thì mình có review sách Chủ Nghĩa Khắc Kỷ và có nói Marcus Aurelius là một trong những người tiên phong đi theo trường phái triết học này. Điều thể hiện rõ nét nhất cho nhận định này là tác phẩm “Meditations” của ông. Nếu bạn quan tâm và tìm hiểu về trường phái khắc kỷ thì sẽ thấy nội dung trong cuốn Meditations chính là đề cập về tư tưởng, lối sống của người khắc kỷ (tất nhiên không phải toàn bộ).

Đây là một tác phẩm hơi khô khan, khó đọc và có phần lặp đi lặp lại nhằm nhấn mạnh các tư tưởng khắc kỷ về việc đối xử với các sự viện mình làm chủ hoặc không làm chủ, về sự sắp đặt của Thượng Đế, về Logos (có thể hiểu là Đạo) cũng như những lời khuyên để có một cuộc sống bình an, tránh những sân si không cần thiết. Bên cạnh đó, nghĩa vụ với cộng động như là một phần tính cách của người Khắc Kỷ cũng được đề cập nhiều.

Với cấu trúc 12 phần (gọi là 12 quyển) và nội dung hầu như không có cấu trúc, phân loại rõ ràng nên đọc dễ khiến xao lãng và … chán. Tất nhiên, dẫn đến điều này không phải là không có nguyên nhân, cuốn Meditations có thể được viết ra không phải để đọc từ đầu đến cuối, mà nó có thể được đọc ở bất kỳ đoạn nào, bất kỳ lúc nào và mỗi phần nhỏ trong một quyển có thể coi như một lời khuyên, mội bài học hoặc một câu chuyện về cuộc sống, nhân cách.

Mình chia sẻ với các bạn một số đoạn nhỏ mà mình thấy hay.

“Nếu con chó từ chối chạy theo chiếc xe ngựa thì nó sẽ bị xe ngựa lội đi, tuy nhiên nó có quyền lựa chọn: chạy, hay bị lôi đi. Cũng giống như thế, con người chịu trách nhiệm về những lựa chọn và hành động của mình, cho dù những lựa chọn và hành động ấy đã được logos định trước và tạo thành một bộ phận kế hoạch của nó. Ngay cả những hành động có vẻ như-và thật sự-vô đạo đức hoặc bất công cũng thúc đẩy thiết kế tổng thể, được hiểu một cách tổng quát như hài hòa và tốt đẹp”
(Lời giới thiệu của soạn giả, không phải từ Meditations.)

“Nếu anh muốn tìm tĩnh lặng, hãy hành động ít đi. Hay (chính xác hơn): chỉ làm những gì thiết yếu, những gì logos và xã hội đòi hỏi , và theo cách cần thiết. Điều này mang lại sự thỏa mãn kép: làm ít đi, nhưng tốt hơn.
Bởi vì phần lớn những gì chúng ta chúng ta nói và làm là không thiết yếu. Nếu anh có thể hạn chế nó, anh sẽ có nhiều thời gian hơn, và nhiều tĩnh lặng hơn. Ở mỗi khoảnh khắc, hãy tự hỏi `cái này có cần thiết không?`”
(Quyển 4.24)

“Anh có thể sống một đời sống vô lo miễn là anh có thể lớn lên, suy nghĩ và hành động một cách hệ thống.
Có hai đặc tính chung giữa thần và người và các loài có lí trí.
i. Không để người khác kiềm chế anh.
ii. Đưa lòng tốt vào nghĩ và làm điều đúng, và hạn chế đưa dục vọng của anh vào đó.”
(Quyển 5.34)

“Cấm người ta muốn những thứ người ta coi là tốt cho họ thì thật độc ác. Nhưng đó chính là những gì anh sẽ không để họ làm khi anh nổi giận với hành vi sai quấy của họ. Họ đang háo hức tới những gì họ cho là tốt cho họ.
Nhưng những cái ấy không tốt cho họ.
Vậy thì nói cho họ biết. Chứng minh cho họ thấy. Thay vì chính anh nổi nóng.”
(Quyển 6.27)

“Có người khinh thường tôi.
Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: không nói hay làm cái gì đáng bị coi thường.
Có người ghét tôi. Đó là vấn đề của họ.
Vấn đề của tôi là: kiên nhẫn và vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả họ. Sẵn sàng chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Không hằn học hoặc tỏ ra thiếu kiềm chế, mà một cách thành thật và ngay thẳng”
(Quyển 11.13)

Hy vọng một chút giới thiệu sẽ giúp bạn nào quan tâm đến trường phái Khắc Kỷ có thể tìm và đọc tác phẩm nổi tiếng này.

Categories
Review sách

Review sách “Chủ nghĩa Khắc kỷ” của William B. Irvine

Lần đầu tiên đọc một cuốn sách về triết học mà cảm thấy hào hứng như cuốn này và quả thực sách đã để lại một ấn tượng cực kỳ sâu sắc đến cá nhân mình nên nay viết vài dòng review để mọi người có thêm chút thông tin về cuốn sách “Chủ nghĩa Khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản” của tác giả William B. Irvine.

Thấy bìa cuốn này vài tháng trước, lúc đó có lên wiki tìm hiểu xem chủ nghĩa Khắc kỷ là gì và cảm thấy nó như nói về con người mình, tính cách của mình nên cũng hào hứng chờ đón mua cuốn này. Và quả thật là khi cầm cuốn sách trên tay, đọc từ đầu đến cuối thì như mô tả tính cách của Tuấn đến hơn 90%.

Bản thân Tuấn và cũng như nhiều người (trong đó có cả gấu) nhận xét thì tính cách và lối sống của Tuấn có phần khác những người xung quanh, và điều này cũng dẫn đến không ít mâu thuẫn không cần thiết trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, chả hiểu sao lối tính cách này nó vô tình ăn sâu và trở thành cách sống và làm việc của mình. Mãi cho đến khi đọc xong cuốn sách này thì mình thật ngạc nhiên là mình sống khá giống với những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ …cách đây gần 2000 năm.

Chủ nghĩa Khắc kỷ có từ thời Hy Lạp (thế kỷ 3, trước công nguyên), bị “thất truyền” hơn cả ngàn năm và dạo gần đây mới được chú ý bởi tính chất và phong cách đặc trưng của chủ nghĩa sống này. Cuốn sách này trình bày lịch sử ra đời của chủ nghĩa Khắc kỷ, những cái tên nổi bật đại diện cho trường phái triết học này như Seneca, Epictecus và nhất là vị vua La Mã nổi tiếng Marcus Aurelius.

Ngoài việc giới thiệu về lịch sử ra đời, phần chính của sách là nói về những tính chất, hành động được coi là kim chỉ nam cho lối sống Khắc kỷ và những hướng dẫn thực hành lối sống này. Các chỉ dẫn cách ứng phó với những tình huống trong cuộc sống nếu muốn thực hành lối sống Khắc kỷ cũng được đề cập trong sách, bao gồm hướng dẫn đối phó với sự kiểm soát, vận mệnh, bổn phận với xã hội, đối phó với sự xúc phạm, cơn giận, đau buồn, tuổi già và cả cái chết.

Ngoài ra, sách cũng bàn về sự giàu sang, theo đuổi danh vọng, địa vị đối với người sống Khắc kỷ và các yếu tố kiềm chế bản thân trước các ham muốn, dục vọng để hướng đến lối sống thuận theo tự nhiên, chỉ ưu tiên tiếp nhận sự tích cực, vui vẻ và tránh xa, bỏ qua những điều tiêu cực, không lành mạnh.

Quả thật là khá ngạc nhiên khi thấy mình có lối sống khá gần với người theo trường phái Khắc kỷ khi đọc hết các mô tả tâm lý và hướng dẫn thực hành trường phái này. Ít ra có thể thấy mình cũng có một triết lý sống để đeo đuổi và giúp mình nhanh chóng ra các quyết định hằng ngày trong cuộc sống và công việc.

Tác giả cũng khuyến cáo không phải ai cũng có thể theo đuổi trường phái Khắc kỷ cũng như không có trường phái nào là tốt nhất, mỗi người, mỗi cá nhân sẽ tìm thấy cho mình một trường phái thích hợp để định hình lối sống của mình.

Mình có trích dẫn một số đoạn hay từ sách, hy vọng các bạn sẽ thấy được phần nào đặc trưng của trường phái Khắc kỷ.

Khi nói về Sự xúc phạm:

“Trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, dần dà chúng ta sẽ không còn quan tâm đến ý kiến của người khác về mình. Chúng ta sẽ không sống nhằm đạt được sự chấp thuận hay tránh né sự phản đối của họ, và bởi chúng ta không quan tâm đến ý kiến của họ, chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn khi bị họ xúc phạm. Kỳ thực, một nhà hiền triết theo phái Khắc kỷ có lẽ sẽ xem hành vi xúc phạm của những người xung quanh như tiếng chó sủa bên tai. Khi một con chó sủa, ta có thể nghĩ thầm rằng con chó kia dường như không ưa ta, nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu ta để cho mình bực tức vì chuyện này và đắm chìm trong suy nghĩ, “Ôi, trời! Con chó kia không ưa mình!”

Bàn về cuộc sống xa hoa:

“Một người khắc kỷ sẽ làm gì nếu người ấy giàu có, mặc dù không chạy theo giàu sang? chủ nghĩa Khắc kỷ không yêu cầu người đó từ bỏ sự giàu sang; nó cho phép họ tận hưởng sự giàu sang và sử dụng của cải để mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh.”

“Khi chúng ta thấy mình đang khao khát một điều gì đấy, chúng ta nên dừng lại để tự hỏi liệu ham muốn của ta là thuận tự nhiên hay trái tự nhiên, và nếu nó có trái tự nhiên, ta nên nghĩ kỹ về việc thỏa mãn nó. Seneca cảnh báo, sự xa hoa dùng mưu kế để thúc đẩy những thói hư tật xấu: Trước tiên, nó khiến chúng ta muốn thứ không cần thiết, sau đó nó làm chúng ta muốn những thứ nguy hiểm cho ta. Chẳng mấy chốc, tâm trí trở thành nô lệ cho những ý thích nhất thời và khoái lạc của cơ thể.”

Trở thành người Khắc kỷ:

“Nhìn chung, có một triết lý sống, dù là triết lý Khắc kỷ hay những triết lý khác, có thể đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn đã có một triết lý sống thì việc đưa ra quyết định sẽ tương đối đơn giản: Khi cân nhắc giữa các tùy chọn mà cuộc sống mang đến, bạn đơn giản sẽ chọn một thứ (phù hợp nhất) có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu đề ra bởi triết lý sống của bạn. Khi thiếu một triết lý sống thì ngay cả những lựa chọn tương đối đơn giản cũng có thể trở thành cuộc khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống. Suy cho cùng bạn khó mà biết nên chọn cái gì khi thực sự không chắc chắn về điều mình muốn.”

Sau khi đọc sách này thì mình sẽ mạnh dạn hơn cho mảng sách về triết học và hy vọng khám phá nhiều hơn các trường phái khác. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về chủ nghĩa Khắc kỷ và nhìn triết học như một môn khoa học thường thức và giúp cải thiện suy nghĩ và cuộc sống hằng ngày.