Categories
Review sách

Ứng dụng tâm lý học để đọc nhiều sách hơn

Sáng nay dậy sớm hơn mọi ngày (3:45am) nên sau khi hoàn tất chỉ tiêu đọc trong buổi sáng (60p) thì tự nhiên muốn viết một bài về việc đọc sách của mình. Dạo gần đây (hay nói cụ thể là từ tháng 11/2020), sau khi áp dụng một số phương pháp mới cho việc đọc sách thì về số lượng và chất lượng trong việc đọc sách đều được cải thiện. Thấy quá trình này có lẽ hữu ích cho mọi người nên mình chia sẻ bài viết này với mọi người.

Tủ sách

Bài viết này không đề cập đến việc làm sao để đọc nhanh MỘT cuốn sách. Có rất nhiều phương pháp đọc nhanh, nhưng tựu chung thì mình không cổ xúy trường phái đọc nhanh 1 cuốn sách mà đi theo trường phái đọc nhiều cuốn sách, còn đọc một cuốn như thế nào nó phụ thuộc vào phong cách đọc và trải nghiệm của từng người.

Nhìn riêng, Tuấn là một lập trình viên đi làm kinh doanh, nên việc đọc sách là tối quan trọng vì bên cạnh kiến thức về kinh doanh, văn hóa thì kiến thức chuyên môn là cực kỳ cần thiết. Còn nhìn chung thì ai cũng cần đọc sách, nên việc đọc nhiều sách hơn sẽ rất có lợi cho cuộc sống và công việc. Mình vẫn quan niệm, mỗi người ai cũng có một ngày 24 giờ như nhau, nếu mình biết tận dụng thời gian thì có thể đọc nhiều sách hơn thì tốt biết mấy.

Sau thời gian áp dụng phương pháp này thì mỗi tháng có thể đọc từ 15-20 cuốn và mục tiêu 1 năm 200 cuốn sách là có thể đạt được. Phương pháp này dựa vào một số hiểu biết của mình về tâm lý học hành vi và tự áp dụng thì thấy có chút hiệu quả. Nguyên lý cốt lõi của phương pháp này là dựa vào khái niệm Năng lượng tinh thần (Mental Energy).

Năng lượng tinh thần là gì?

Mỗi chúng ta, trong một ngày sẽ có một mức độ (Level) năng lượng tinh thần, và năng lượng này sẽ giúp chúng ta xử lý các hoạt động liên quan đến trí óc, như học tập, suy nghĩ, tính toán và trong đó có đọc sách. Nếu mức năng lượng này cạn kiệt thì chúng ta sẽ lúc nào cũng cảm thấy uể oải, không còn chút động lực để suy nghĩ đơn giản chứ đừng nói đến chuyện đọc sách. Và những lúc cạn kiệt năng lượng này thì chúng ta thường làm gì? Hầu hết mọi người sẽ lướt Facebook, Youtube, Tiktok, xem Tivi vì đó là một số hoạt động không cần nhiều năng lượng tinh thần lắm.

Nếu dựa theo các nghiên cứu thì đầu ngày, mỗi khi ngủ dậy thì mức độ năng lượng tinh thần được reset lại, giống như chơi game, được hồi sinh máu 100%. Do đó, lúc mới ngủ dậy thường tràn trề năng lượng, nhiệt huyết và đầy sức sống. Và như có nói, dựa vào những hoạt động trong ngày mà năng lượng này sẽ giảm từ từ cho đến khi bạn kết thúc một ngày dài (16 tiếng) và đi ngủ để mai lại được hồi phục.

Nhiều người, kể cả Tuấn trước đây đọc khá ít sách, thậm chí có giai đoạn không đọc sách nổi bởi vì mức độ năng lượng này trong ngày rất ít, khiến cho công việc ngoài xã hội đã ngốn hết số năng lượng này, nên khi cần trí não để xử lý một cuốn sách thì hoàn toàn thua cuộc, không thể tiếp thu nổi khi đọc nên thường chúng ta chọn những hoạt động khác, ngoài hoạt động trí não.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ năng lượng tinh thần, thường là do muộn phiền, lo âu, stress hoặc một phần quan trọng là năng lượng thể chất ảnh hưởng lớn đến năng lượng tinh thần. Năng lượng thể chất ý nói đến sức khỏe của bạn, nếu thường ốm yếu, cơ thể lúc nào cũng suy nhược, mệt mỏi không có sức lực thì sẽ kéo theo năng lượng tinh thần đi xuống (sinh lý quyết định tâm lý).

Do đó, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tăng năng lượng tinh thần là làm tăng năng lượng thể chất, cụ thể là tập thể dục, ăn uống lành mạnh để có cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật. Như vậy, tinh thần lúc nào cũng được tốt hơn.

Như vậy, bạn đã thấy năng lượng tinh thần có vai trò rất lớn trong cuộc sống và hoạt động hằng ngày. Bài viết này Tuấn chia sẻ việc ứng dụng năng lượng tinh thần trong việc đọc sách để tăng năng suất việc đọc lên, giúp bạn tiếp thu tốt và đọc nhiều sách hơn trong một ngày.

Năng lượng tinh thần cho việc đọc sách

Dựa vào mức độ năng lượng tinh thần sẽ ngày càng giảm trong ngày, chúng ta sẽ đưa ra các chiến lược đọc phù hợp, có như vậy thì rất dễ tiếp thu cũng như tạo hứng thú cho việc đọc.

Như bạn cũng biết, đầu ngày là lúc năng lượng dồi dào nên đọc cái gì cần nhiều năng lượng của não và cuối ngày thì rất ít năng lượng, do đó, cuối ngày không nên đọc cái gì cần tập trung cao hoặc suy nghĩ.

Ngoài ra, để duy trì hứng thú và sự tập trung khi đọc thì một ngày mình không đọc một cuốn sách mà đọc khá nhiều thể loại, để bộ não trải nghiệm cảm giác thay đổi ngữ cảnh (context) giúp tối ưu cục bộ cho việc tập trung và hứng thú. Giống như một bữa cơm có nhiều món, đủ cả món chính món phụ sẽ giúp dễ tiêu hóa hơn. Đọc sách cũng vậy.

Tùy vào nhu cầu công việc, sở thích của mỗi người mà các bạn tự lựa chọn thể loại sách để đọc cho phù hợp với năng lượng tinh thần. Bên dưới, Tuấn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc lựa chọn sách của mình dựa vào mức độ năng lượng tinh thần, cũng như đây là 5 nhóm sách mà mình đọc trong 1 ngày đối với một ông chủ nhỏ làm IT như mình.

Tủ sách ngoại văn

Do nhu cầu công việc nên việc đọc sách kỹ thuật bằng tiếng Anh là không thể thiếu. Đối với thể loại sách này, vừa phải vừa đọc vừa dịch, từ điển trên điện thoại cũng sẵn sàng mà lại về chuyên môn nên phải nói là dùng một số lượng năng lượng tinh thần rất lớn.

tủ sách ngoại văn

Do đó, với thể loại này, mình đọc một ngày 30 tới 45 phút và đọc ngay sau khi thức dậy, khung giờ lý tưởng của mình là từ 4am đến 5am. Với 30 phút thì mình đọc khoảng 20-30 trang là bắt đầu mất tập trung. Nên một cuốn sách tiếng anh 300 trang thì đọc trong khoảng dưới 10 ngày. Nếu để lâu hơn 10 ngày thì hầu như không còn khả năng tổng hợp kiến thức.

Tủ sách phi tiểu thuyết (non-fiction)

Thể loại sách thứ hai mà tiêu tốn nhiều năng lượng là sách phi tiểu thuyết, thường là sách chuyên ngành tiếng việt, kinh doanh, kinh tế, self-help…nói chung tất tần tật các thể loại sách không phải là thể loại tiểu thuyết hư cấu.

tủ sách phi tiểu thuyết

Chỉ đứng sau sách ngoại văn, đọc thể loại sách này cũng tiêu tốn nhiều năng lượng tinh thần nên thường đọc vào buổi sáng (~30 phút) sau khi đọc sách ngoại văn.

Sau khi tập thể dục buổi sáng về thì năng lượng bị cạn kiệt do đọc sách ngoại văn và phi tiểu thuyết được khôi phục lại, nên mình cũng thường đọc thể loại sách này vào buổi sáng trước khi đi làm, hoặc thời gian rảnh tầm 10-15 phút như ngồi chờ khi đi gặp khách hàng, nên mình thường không ngại nếu khách cho chờ đợi, tuy nhiên, nếu để Tuấn chờ hơn 15 phút thì có thể hình dung hậu quả rồi ^^!.

Tủ sách tiểu thuyết (fiction, novel)

Mình cũng là người thích đọc tiểu thuyết nên không thể thiếu tủ sách tiểu thuyết trong nhà. Việc đọc tiểu thuyết không ngốn quá nhiều năng lượng tinh thần so với 2 thể loại thể nên thường muốn đọc lúc nào thì đọc, miễn là còn muốn đọc.

tủ sách tiểu thuyết

Thường là mình tranh thủ đọc tiểu thuyết vào những khung giờ nhỏ 5 – 15 phút trong ngày, kể cả sáng sớm khi ngủ dậy hoặc buổi sáng trong khi đi làm nếu nội dung tiểu thuyết đang lôi cuốn và khó có thể chờ đợi.

Một ngày đọc khoảng tối đa 60 phút. Cuối tuần là thời gian mình dành nhiều cho tiểu thuyết. Trừ 2 khung giờ gần như cố định cho ngoại văn và chuyên môn vào sáng sớm, thì tiểu thuyết có thể đọc từ sáng đến tối.

Tủ sách truyện tranh

Mình cũng là một fan của manga/comic từ nhỏ nên đọc truyện tranh là không thể thiếu. Mỗi tuần lúc nào cũng vài cuốn và đối với thể loại ít dùng năng lượng tinh thần nhất này, mình thường đọc vào buổi tối, sau khi năng lượng đã bị suy giảm triệt để do các hoạt động xã hội và đọc sách ở trên.

tủ sách truyện tranh

Mình thường tận dụng được tới 45-60 phút chiều tối để đọc truyện tranh vì thời gian này làm chuyện khác cũng không nổi, có đọc truyện tranh là sướng nhất. Vừa thõa mãn việc đọc, vừa có thể giải trí vì cốt truyện của truyện tranh thường đơn thuần, có tính giải trí cao.

Tủ sách nói (audio)

Đây là loại sách mới mà mình khám phá gần đây và đây cũng là lần đầu tiên Tuấn nói về sách nói. Cho tới 1 tháng trước, mình vẫn không đánh giá cao về thể loại sách này bởi nhiều yếu tố như thói quen, nội dung và chất lượng đọc. Tuy nhiên, cho tới khi tập thể dục, sau khi nghe nhạc chán chê, từ các thể loại nhạc dance, đen, nhạc rap, hiphop rồi đến podcast các kiểu thì thấy nó phí phí thời gian thế nào ấy, vì tập đến 60 phút lận.

tủ sách nói

Thế là lân là tìm thử sách nói xem có hợp không. Lúc đầu thử 1 số app nghe sách nói miễn phí (sachnoi.app) cũng hay thấy chia sẻ rầm rộ và 1 số app khác thì khá … thất vọng. Nghe một vài đầu sách thì thấy tạm, tuy nhiên, nếu chọn các kênh này làm lâu dài thì không ổn vì từ chất lượng sách là không nhiều thể loại và chất lượng giọng đọc thì thượng vàng hạ cám, lúc thì nghe không rõ, rè lên rè xuống và vẫn tư duy làm kênh để chia sẻ nội dung có sẵn chứ không phải tự sản xuất.

Thế là vô tình lọt vào app VoizFM, lần đầu tiên nhìn vào danh mục sách khá là hứng thú, thử thì thấy có rất nhiều sách do chính đội ngũ tự sản xuất, phần lớn là sách của First News, đứng thứ hai là của NXB Kim Đồng…Trả tiền nghe thử thì trừ 1 số hạt sạn như bị thiếu chương, bị lập chương, nghe có 1 lỗ tai..chắc do khâu QA/QC còn yếu thì nhìn chung chất lượng OK so với giá tiền. Mình không quảng cáo cho VoizFM, bởi vì cái gì tốt thì mình chia sẻ và hy vọng trong nước còn có những đơn vị sản xuất sách nói thế này để người đọc có thêm sân chơi mới.

Nghe cũng gần 2 tháng và đối với khung thời gian 1 tiếng trong khi tập thể dục (đi & chạy bộ) thì nghe những thể loại self-help, lịch sử, văn học thì khá hợp và không tốn nhiều nỗ lực của năng lượng tinh thần. Trung bình một sách nói kéo dài khoảng 5 tiếng, nên 1 tháng có thể “dung nạp” thêm từ 5 đến 6 cuốn sách. Riêng mình, đối với các sách nghe thấy hay và hữu ích đều mua sách giấy để lưu trữ.

Thể loại sách khác

Không chỉ đọc một trong năm nhóm sách như trên với khung giờ phân bố như chia sẻ, trong quá trình làm việc, lướt web thì cũng đọc các ebook ngắn, white-paper về công nghệ và những nội dung bổ ích cho công việc lập trình và thiết kế.

Bên cạnh đó, mình cũng review một số sách thiếu nhi để đám nhóc ở nhà có thể tiếp cận với sách từ nhỏ với phương châm sách lúc nào cũng ở bên cạnh và mở mắt ra là thấy, còn việc muốn đọc gì thì tùy duyên mấy ảnh, thích cuốn nào thì móc cuốn đó ra coi.

Như vậy là bạn đã nắm được cách vận dụng tâm lý học, cụ thể là năng lượng tinh thần để bổ trợ cho việc đọc sách trong việc phân bổ việc đọc vào các thời điểm phù hợp với tâm sinh lý. Việc tăng cường năng lượng tinh thần cũng rất có ích cho các hoạt động của bạn, và đọc sách cũng giúp bạn tăng cường lại năng lượng tinh thần, giúp cho mức độ năng lượng của bạn ngày một tăng bởi yếu tố tập trung cao, trí tưởng tượng… được bồi dưỡng trong quá trình đọc.

Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hứng thú hơn với việc đọc sách và văn hóa đọc nói chung. Còn nếu chưa có kinh nghiệm đọc thì mình khuyên các bạn đọc theo thứ tự tủ sách của mình từ dưới lên trên, bắt đầu với đọc sách của trẻ em, nghe sách, rồi đọc truyện tranh, đọc tiểu thuyết, sau đó đến sách chuyên ngành và cuối cùng là ngoại văn.

 

Categories
Miscellaneous

Bàn về mua sách

Cũng gần một tháng kể từ bài viết đầu tiên trong chuỗi bài “Bàn về sách” viết về mục đích của việc đọc sách, nay mình tiếp tục loạt bài này với chủ đề khá gần gũi là bàn về mua sách. Mua sách không đơn giản là ra hiệu sách chọn 1 cuốn rồi mua hoặc lên mạng thấy ai review hợp gu mình thì mua. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc chọn lựa sách sao cho đảm bảo chất lượng và kinh tế nhất.

Tại sao mua sách?

Việc tại sao chúng ta mua sách thì có thể được lý giải phần lớn ở bài đầu tiên là bàn về mục đích của việc đọc sách. Mỗi người tại mỗi thời điểm sẽ có những mục tiêu khác nhau dẫn đến hành động mua sách. Phần lớn là mua sách để trau dồi kiến thức, kỹ năng và thư giãn, giải trí.

Các bạn cũng cần hiểu là mua sách không nhất thiết là để đọc (OMG!!!). Mình cũng mua nhiều sách, truyện cũng không phải để đọc, mà là mục đích sưu tầm như là các bookset ra mắt có hạn lượng (limited edition), hoặc sách cổ trong ngành. Ngoài ra, cũng có mua sách để tặng bạn bè tâm giao hoặc anh em đồng nghiệp.

Mua sách khi nào?

Thời điểm mua sách cũng là một vấn đề nhiều bạn băn khoăn. Hầu hết mọi người chỉ mua sách khi bị ai đó ép mua, như thầy/cô/sếp/vợ/chồng/con. Tuy nhiên, bản thân cảm thấy các thời điểm mua như trên chỉ khiến bạn coi việc mua sách (và đọc nó) như một nhiệm vụ và khó lòng tiếp cận nội dụng của sách một cách sâu sắc và toàn diện.

Mình vẫn khuyên mọi người là việc mua sách phải xuất phát từ chính bản thân mình chứ không phải bị ép buộc, có nghĩa là bạn phải có trách nhiệm tìm kiếm, lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp và ra quyết định mua nó. Việc mua sách đối với mình thường diễn ra trong 2 tình huống.

Đầu tiên là mua sách định kì, tức là bạn sẽ mua sách đều đặn mỗi tuần. Trái với một số quan điểm mua sách là để đọc ngay, đôi khi mình mua sách nhanh hơn tốc độ đọc (tất nhiên có những lúc ngược lại nếu sách dễ đọc) nên việc thường xuyên có sách chưa đọc trong tủ sách ở nhà hoặc ở công ty là bình thường. Tất nhiên là trước sau gì cũng đọc thôi chứ không phải để đóng bụi.

Tình huống thứ hai là mua sách ngẫu hứng, tức là vô tình thấy cái hình bìa đẹp, thiết kế cầu kỳ, nội dung trình bày đẹp là mua. Hoặc đơn giản là thấy một số review trên mạng về 1 cuốn sách nào đó hoặc được đề cập trong một cuốn sách khác. Để đảm bảo an toàn kinh tế, mình luôn dành ra ngân sách cố định trong 1 tháng để mua sách, tránh tình trạng mua quá tay như mấy chị em tiêu xài thả ga, lúc nhìn lại thì hối hận.

Mua sách ở đâu?

Một khi quyết định mua sách thì hiện tại có khá nhiều nguồn để bạn mua sách. 3 nguồn mình hay mua sách nhất là Hiệu sách, Tiki và Amazon. Đôi khi cũng mua shopee vì có một số cuốn không tìm ra ở hiệu sách hoặc tiki thì hết hàng.

Đối với sách tiếng Việt thì kinh nghiệm cho thấy là mua trên Tiki rẻ hơn 15-30% nên tiết kiệm kha khá cho những cuốn sách trên 100k. Còn nếu khi đang dạo nhà sách thì nếu sách dưới 100k và ưng ý thì mình thường mua luôn tại chỗ cho lẹ, đỡ chờ đợi setup giao hàng.

Còn về sách tiếng anh thì mặc dù Tiki có một số đối tác bán sách tiếng anh như Fahasa, Experal…nhưng phần lớn sách không nhiều, mình cũng chỉ mua vài cuốn trên tiki mà thôi vì gu sách lựa chọn nhập hàng không hợp. Còn phần lớn mình sẽ lựa chọn sách trên Amazon và nhờ dịch vụ ship hàng amazon mua hộ. Phải nói sau rất nhiều thời gian thì mình cũng tìm được một đối tác ưng ý để mua sách từ Amazon hơn 1 năm qua, bạn có thể liên hệ page ShipHangUS.GlamourShopping, chat đưa link sách trên Amazon để nhờ bên đó báo giá final khi về Việt Nam nhé (nhớ nói có Tuấn hay mua sách amazon giới thiệu để biết đâu bên đó tặng quà cho tui).

Mua sách gì?

Bám sát vào mục đích đọc sách của mình thì bạn sẽ biết nên mua sách gì. Phần này mình chỉ đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp bạn đỡ quyết định sai lầm khi mua sách.

Tìm theo chủ đề: phần lớn chúng ta mua sách theo các chủ đề mình quan tâm nên nếu tìm sách hoặc được giới thiệu sách theo chủ đề hứng thú thì bạn sẽ dễ dàng ra quyết định hơn.

Tìm theo nhà xuất bản, công ty sách: nếu đọc sách nhiều, bạn sẽ thấy có những nhà xuất bản uy tín và sách của các đơn vị này đọc hay hơn. Lý giải việc này thường do các đơn vị lớn thường hợp tác với các tác giả nổi tiếng, lấy độc quyền xuất bản với những sách best seller nên sách của họ cũng dễ được tiếp nhận hơn so với các đơn vị “chân ướt chân ráo” vào ngành này. Tất nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi bởi phí bản quyền, tác giả sẽ cao và các đơn vị này phải chịu các rủi ro này nếu sách…ế.

Tìm theo tác giả: một vài người sẽ có ưu ái hơn cho một số tác giả mình yêu thích và đọc sách của những tác giả đó nhiều hơn vì mỗi tác giả thường dính vào một chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Sẵn đây mình cũng có một lời khuyên là đừng nên đọc một cuốn sách không có tác giả hoặc không biết tác giả là ai.

Đối với mình, tối kỵ nhất là khi đọc một cuốn sách mà không nắm được bối cảnh, trình độ (nếu sách chuyên môn) của người viết và khi muốn “góp ý” thì cũng sẽ không biết góp ý thế nào và bị rơi vào trường hợp “cha chung không ai khóc”, sẽ khiến tác phẩm là một sự góp nhặt mơ hồ.

Mua sách thế nào?

Phần lớn sách mình mua là sách giấy (xin lỗi các bạn theo trường phái bảo vệ môi trường ^^!), nhưng quả thật cầm một cuốn sách giấy, ghi chú, đánh dấu lên đó vẫn mang lại một cảm giác khoan khoái và sở hữu điển hình khi đọc sách giấy.

Trong một số trường hợp thì buộc phải mua ebook (amazon) nhưng quả thật đọc khá nhanh và không sâu lắng bằng sách giấy. Nếu Amazon có cuốn sách giấy và cả ebook thì phần lớn mình đều đặt mua sách giấy và chờ ít nhất 2 tuần để cầm trên tay và đọc nó.

Hiện tại có thể loại sách nói, tức là thay vì nghe nhạc thì mình nghe người ta đọc sách. Thử vài lần từ chục năm trước và năm nào cũng thử nhưng hoàn toàn không phù hợp với mình bởi cá nhân mình thấy đọc sách là một hành động chủ động và đơn tác vụ. Trong khi nghe là một hành động bị động và khuyến khích đa tác vụ, nên bạn thường vừa nghe nhạc, vừa làm gì đó và lỡ nhạc có trôi qua mà bạn không nghe kịp thì cũng kệ, có bao giờ kéo lại 5s để nghe lại không? Có thể chính vì 2 yếu tố đó mà sách nói không tiếp cận với mình được. Có thể nó hợp với bạn và nên thử xem sao.

Ngoại truyện #1: ghi chú về thiết kế

Nhìn lướt qua “ngoại quan” của một cuốn sách thì bạn có thể đánh giá là nên mua sách đó hay không. Có người nói rằng không nên đánh giá cuốn sách dựa vào cái bìa, nhưng hiện tại, với số lượng sách xuất bản rất nhiều hằng năm, và tôi đảm bảo với bạn 95% trường hợp nhìn vào cái bìa bạn sẽ đánh giá được có cần bỏ qua cuốn đó hay không.

Nếu một cuốn sách đáng đọc thì tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách sẽ cố gắng (không nhiều thì ít) cho một cái bìa đáng xem. Nếu không phải là sách dịch (bìa thường chuẩn và theo quy cách của sách gốc) thì sách mới sẽ cần một cái bìa đơn giản, thể hiện được tâm ý chung của cuốn sách là được. Bạn có muốn đọc những cuốn sách mà bìa như mấy cuốn sách đại cương hồi học đại học hoặc mấy cuốn luật, triết học?

Bên cạnh thiết kế bìa sách, font chữ của nội dung sách cũng đáng bàn. Đôi khi bạn bắt gặp một cuốn sách mà font chữ bự gấp đôi thông thường, và dường như nhìn vào chỉ thấy là sách dày do chữ bự chứ không phải nội dung nhiều. Đối với loại sách này thì cũng không nên mua, trừ sách dành cho người cận thị.

Ngoại truyện #2: ghi chú về sách giả

Ngày nay, vấn nạn sách giả được các công ty sách chia sẻ và đề cập đều đặn trên tất cả các mặt trận và có đọc ngày càng nhiều thì mình không muốn mua phải sách giả. Tác hại của nó thế nào thì bạn cũng có thể tự tìm hiểu, tác hại nhất đối với mình là sẽ không còn sách chất lượng trong tương lai nếu tình trạng này tiếp diễn.

Mua sách trên Lazada: Hiện tại, mình có thử tìm một số sách công nghệ trên Lazada (vì các site khác không có) thì có đơn vị bán, hỏi vì sao sách tiếng anh mà rẻ vậy thì được báo là không phải sách giả đâu, chỉ là sách hardcopy (là sách photocopy) và sách clone (OMG!!!). Nếu là sách copy thì cứ nói là sách copy, không phải sách thật để mình lượn cho lẹ, đằng này làm vậy sẽ ảnh hưởng đến những người mua sách thật.

Ngoại truyện #3: ghi chú về bọc sách

Có nhiều người rất thích được bọc sách và bọc miễn phí càng khoái, mình thì ngược lại. Khi cuốn sách của bạn được bọc có nghĩa là nó phải bị bóc tem, bóc seal và bẻ cong bìa để đưa cái bọc sách vào, nếu làm không khéo sẽ khiến cho bìa sách bị hư phần gáy trước và sau, khiến sách mới sẽ trông rất rẻ tiền.

Xin các công ty có ưu đãi bọc sách miễn phí tự động hãy cho người mua một option đừng bọc sách bởi vì 100% trường hợp khi nhận được 1 cuốn sách được bọc sẵn thì mình đều cắt bỏ cái bọc ra và chửi rủa cái tên nào gấp cái bìa sách của mình.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về việc tưởng chừng như đơn giản là đi mua sách.

 

Categories
Miscellaneous

Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM

thu-vien-khoa-hoc-tong-hop-tphcm-banner
Ngày nay, cùng với xu thế tiến bộ của xã hội, sự bùng nổ của nhiều hình thức giải trí nên hình thức thư viện có lẽ ngày càng bị giới trẻ lãng quên. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận còn một lớp giới trẻ cũng đã, đang và sẽ coi thư viện như 1 nguồn tư liệu bổ ích và phong phú.