Cuối năm đọc được một cuốn sách khá hay về đề tài quản lý dành cho các công ty công nghệ. Nay có chút thời gian viết vài dòng review để mọi người có chút thông tin về sách này và nếu thấy hay thì có thể mua đọc để hiểu hơn về các hoạt động của CEO công nghệ, từ quy mô nhỏ cho đến lớn.
Tác giả là một trong những người tiên phong trong kỷ nguyên Internet và hiện tại đang điều hành một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới là Andreessen Horowitz (a16z.com) sau khi bán công ty của mình với giá trị hơn 1 tỷ USD cho HP.
Sách viết về chặng đường ông gầy dựng công ty, gặp phải những khó khăn trong điều hành công ty, vượt qua cơn khủng hoàn tài chính ở Mỹ cũng như những chia sẻ về quá trình quản lý công ty của mình. Những đấu tranh tâm lý, sự cô đơn của một CEO trong giai đoạn khó khăn được ông tái hiện khá cụ thể.
Sách dành nhiều phần nói về nhân sự, từ cách tuyển dụng đúng người, đúng việc đến việc sa thải, hạ bệ nhân viên thế nào cho hợp tình, hợp lý cũng như cách xử trí các tình huống khó xử liên quan đến nhân sự, từ cấp thấp nhất đến cấp quản lý dưới quyền. Ngoài ra, ông cũng đề cao quá trình đào tạo nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp tạo lại nhiều giá trị hơn.
Sách nói về những hoạt động, lối suy nghĩ của CEO thời bình và thời chiến. Hai cách cư xử khác nhau của CEO trong từng thời kỳ và sẽ có những người phù hợp với thời chiến, lại có những người phù hợp với thời bình. Ông cũng chỉ ra một số đặc điểm để nhận dạng được thế nào là CEO thời bình, thế nào là thời chiến và dẫn chứng một số CEO của một số công ty nổi tiếng trên thế giới.
Ông còn đề cập đến 2 loại CEO khác nhau, một loại thích quan tâm đến chiến lược, thích trao đổi thảo luận về chiến lược phát triển và một loại thì thích đi sâu vào các chiến thuật triển khai, những con số và KPI. Và lý giải vì sao bạn cần phải tập luyện để có thể có những đức tính của cả 2 nhóm CEO này, và hầu hết chúng ta sẽ thấy CEO ở nhóm một trong các công ty khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, sách còn cho thấy sự khác nhau giữa một product manager tốt và một product manager tồi khác nhau thế nào, và nó ảnh hưởng đến sản phẩm của công ty thế nào nếu rơi vào tay của một product manager tồi.
Cuối sách thì nói nhiều về cách ông tiếp cận và xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm của mình cũng như phân tích để tìm ra các lợi thế để có thể vươn lên đứng ngang hàng với các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng đang hoạt động.
Tuy nhiên, có thể chốt lại phần review sách là có một chương khá hay nói về thứ tự ưu tiên phát triển là “Con người, sản phẩm và lợi nhuận” và không có thứ tự khác.
Sách gần 500 trang, do cách viết ngắt quãng (nhiều chương, nhiều mục lớn, nhiều mục nhỏ…) và nhiều dạng hỏi đáp, gạch đầu dòng nên khó mà có thể đọc một mạch mà nắm được các ý nên có thể các bạn sẽ đọc nhiều lần mới nắm được các ý mà sách đề cập. Khuyến nghị đọc cho các bạn đang theo đuổi sự nghiệp trở thành CEO, quản lý và đặc biệt là các startup công nghệ.
Mua ngày mới được, target quỹ đầu tư mạo hiểm, thank đại ca. E đang lục hết các bài của anh lên đọc