Mình sẽ không bàn tới vấn đề kiến trúc phần cứng của mạng xã hội vì nó là một thao tác mà những site muốn lớn mạnh phải chú ý đến, không riêng gì 1 site Mạng xã hội. Với một chút kiến thức về Technical và Graphical cho web, nội dung bài viết này sẽ giới thiệu về 7 nhân tố quan trong (theo quan điểm của mình ^^) khi triển khai Mạng xã hội (Social network).
1>Social Object: Đối tượng xã hội.
2>Relationship & Privacy: mô hình quan hệ và chính sách.
3>User Interface: Giao diện tương tác người dùng.
4>Community Management: Quản lý hoạt động của Mạng xã hội.
5>Collective Intelligence: Sự hiểu biết từ tập thể.
6>Application Programing Interface (API): Giao diện lập trình ứng dụng.
7>Evolution: Sự tiến hóa.
Social Object là gì?
Ngày nay, các trang mạng xã hội cần phải có 1 cái gì đó để chia sẽ, để nói đến. Cái đối tượng cốt lõi mà gắn kết các User lại với nhau trên website chính là Social object. Ví dụ đối với Flickr là photo, Youtube là Video, Digg là Webpage, Del.icio.us là Bookmark…
Như vậy, trước khi triển khai 1 mạng xã hội, các bạn cần phải xác định cho mình 1 Social Object để tập trung phát triển. Tìm ra 1 Social Object đã khó rồi, đem nó vào mạng xã hội để triển khai còn khó hơn. Vậy phải làm như thế nào?
Sau khi xác định các Social Object, việc tiếp theo bạn cần phải tìm các “Động từ” cho Social object đó. Việc làm này cực kỳ quan trọng, nó chính là bảng mô tả các thao tác mà User có thể thao tác trên Social Object khi sử dụng site của bạn. Các động từ càng chính xác và phong phú thì sẽ giúp sự tương tác giữa các User với website được nâng cao. VD: Flickr có photo và có 1 số động từ như: Thêm, Xóa, Chia sẽ URL, Tagging, Tìm kiếm, Bình chọn, Yêu thích…
Vậy cần dựa trên tiêu chí nào để có 1 Social Object tốt?
Trước tiên bạn cần phải xác định website của mình sẽ làm cái gì để định hình Social Object. Khi quyết định chọn Social Object bạn cần quan tâm đến 1 số yếu tố sau:
– Social Object phải là một đối tượng cụ thể và rõ ràng.
– Có thể cho phép các User chia sẽ và thảo luận về Social Object.
– Phải có 1 URL (cực kỳ quan trọng). VD: Các photo của Filckr và Video của Youtube đều có URL riêng biệt.
– Mức độ sử dụng thường xuyên của User cho các Social Object.
Vậy đâu là Social Object của Facebook, LinkedIn…?
Nói đến các site tên tuổi này chắc hẳn ai cũng biết nó là trang mạng xã hội, vậy Social Object trung tâm của nó nằm ở đâu và nó là cái gì? Thực sự thì vấn đề này rất khó xác định bởi một lý do thuộc về mô hình mạng xã hội. Nói một cách dễ hiểu là Mạng xã hội có 2 mô hình chính đó là xây dựng dựa trên cái Tôi của User (Ego-centric) và xây dựng dựa trên một đối tượng nào đó (Object-centric).
Social Object được đề cập ở đây là dành cho mô hình Object-centric vì các site dạng này tập trung User vào các đối tượng để chia sẽ (photo, video, bookmark, url..) chứ không phải tập trung vào chính bản ngã của User như các trang Ego-centric( Facebook, Orkut, LinkedIn). Nói thế không có nghĩa là các site Ego-centric không có Social Object, khi tiến hóa lên nó sẽ cần có Social Object nào đó để gắn kết các User với nhau. Tới phần “sự tiến hóa” mình sẽ nói thêm về vấn đề này…
Nói 1 cách thật sự thì làm các site Ego-centric rất khó chiếm thị phần vì đối tượng là cái Tôi của User, nên để ý sẽ thấy có khá ít site thuộc về Ego-centric thành công. Một trong những nguyên nhân có thể coi là đã gần bão hòa. Còn mãnh đất màu mỡ chính là mô hình Object-centric, có rất nhiều site thành công dạng này vì mức độ phục vụ và tập trung của nó. Hãy chọn cho mình 1 Social Object và bắt đầu xây dựng 1 Mạng xã hội đi nhé!
Sau khi lựa chọn ra được Social Object cho site, vấn đề tiếp theo cũng quan trong không kém đối với tất cả các trang mạng xã hội: Mô hình mối quan hệ và chính sách bảo vệ User.
Cần phải xem xét thật kỹ mô hình quan hệ vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến cách mà các User tương tác với nhau trên website. Có 2 dạng mối quan hệ rõ ràng nhất là: Quan hệ đối xứng (Symmetric Relationship) và Quan hệ bất đối xứng (Asymmetric Relationship).
Quan hệ đối xứng – Symmetric Relationship là mối quan hệ 2 phía, việc kết bạn diễn ra theo 2 hướng. VD: trong Facebook, thao tác kết bạn cần phải được sự chấp thuận. Mô hình này sẽ giúp User kiểm soát được mối liên hệ với bạn bè hơn và thông tin được bảo vệ tốt hơn. Số lượng bạn bè ít hơn và nó sẽ làm cho website ít “open” hơn.
Quan hệ bất đối xứng – Asymmetric Relationship là mối quan hệ chỉ cần từ 1 phía là có thể hình thành được. VD: mô hình Follow của Twitter là mô hình bất đối xứng, chỉ cần thao tác Follow là User này có thể trở thành “bạn 1 nữa”. Chính vì mô hình này dễ dàng kết nối các User nên site trở nên “open” hơn, do đó ít có thông tin nhạy cảm về cá nhân được đưa lên, chủ yếu là để chia sẽ thông điệp. Nếu dùng đồ họa máy tính vẽ ra sơ đồ kết nối thì sẽ thấy nó có rất nhiều connection.
Bên cạnh 2 mô hình này, không thể không kể tới mô hình Nhóm(Group). Đây là 1 mô hình khá quen thuộc trên nhiều site dạng mạng cộng đồng. Cho phép User gom nhóm các bạn bè cũng là 1 thao tác cần được chú trọng khi xây dựng mô hình quan hệ. Ai được tạo nhóm, ai quản lý nhóm, quản lý như thế nào, ủy quyền quản lý nhóm, thoát khỏi nhóm, nhóm public, nhóm private…
Ngoài ra cũng cần chú ý đến chức năng Invitation (mời tham gia). Cần cung cấp chức năng này cho các User nhằm giúp đẩy mạnh việc Marketing mạng xã hội đến đông đảo thành viên hơn. Có nhiều cách để làm được việc này, như là cho phép User gởi email trực tiếp hoặc User import contact list để gởi thư mời tham gia website…
Tùy vào mục đích của site mạng xã hội và tư tưởng kết nối mà bạn cần quyết định mô hình quan hệ nào là thích hợp. Sau khi đã có mô hình mối quan hệ, bạn cần phải chú trọng đến bảo vệ Profile (Thông tin cá nhân) của thành viên. Để làm việc này cần có các cơ chế giúp cho User cấp quyền cho phép ai được xem cái gì và ai không được xem.
Đối với những site mang nặng tính chất cá nhân (các site dạng Ego-centric) rất cần được chú trọng chức năng này. Cần cung cấp 1 số chức năng cho phép User cấm 1 người nào đó truy cập profile, hoặc không cho phép kết bạn, không cho phép làm 1 thao tác gì đó mà có thể ảnh hưởng tới cá nhân User.
Ngoài ra, website cũng cần phải luôn được theo dõi sát sao vì chỉ cần có sơ hở là thông tin thành viên dễ dàng bị mất và có nhiều kẻ sẽ được lợi sau những lần như thế.
Các vấn đề trên là những thành phần cốt lõi cho mạng xã hội. Bạn đã nghĩ ra được ý tưởng về Social object, về mô hình quan hệ…cái này nói thiệt vô số ý tưởng trùng nhau nhưng không phải ai cũng thành công. Vậy nguyên nhân là ở đâu?
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng 1 nguyên nhân cực kỳ quan trọng đó là chưa xây dựng 1 giao diện người dùng thật sự hiệu quả. Khi tiến tới mạng xã hội, nhu cầu giao diện không còn là những vẽ đẹp hoa mỹ của những site mỹ thuật, không nặng nề như những site kỹ thuật công nghệ…mà nó trở nên hướng người dùng hơn.
Nếu các bạn có tìm hiểu, các site mạng xã hội là những website hướng người dùng, lấy người dùng làm trung tâm của các hoạt động giao tiếp, thiết kế. Do đó, thiết kế giao diện cũng cực kỳ…khó. Do đó, thiết kế giao diện lúc này không phải chỉ tập trung vào yếu tố mỹ thuật, mà cần tập trung vào tính khả dụng của website (Usability).
Bàn tới vấn đề này, có cả một lĩnh vực đang rất mới và cũng đang được nhiều người làm thiết kế quan tâm đó là UX(User Experience) Design. User biết tới website của chúng ta đã khó, nhưng giữ họ lại với website, tương tác nhiều hơn với các User khác trên website càng khó hơn. Việc có một giao diện hướng vào tính khả dụng sẽ giúp khuyến khích các User sử dụng website nhiều hơn, đồng thời tạo sự thoải mái và thân thiện cho User khi sử dụng website.
Vậy phải thiết kế như thế nào mới gọi là thiết kế có tính khả dụng?
Để trả lời câu hỏi này không phải chỉ 1,2 bài viết mà có thể trình bày. Tính khả dụng còn phải dựa vào từng chức năng mà có các nguyên tắc, quy luật khác nhau nhằm cải thiện thiết kế. VD: làm sao để thiết kế 1 trang đăng nhập tốt? Làm sao để thiết kế một trang đăng ký hiệu quả? Làm sao để viết một trang kết bạn hiệu quả? Làm sao để viết một trang chủ người dùng (Dashboard) cho hoàn chỉnh?… Vân vân và vân vân… Khi nghiên cứu sâu vào lĩnh vực này bạn sẽ tìm thấy nhiều câu trả lời hơn nữa cho các vấn đề thiết kế giao diện hướng người dùng.
Tài liệu để nghiên cứu về tính khả dụng cho giao diện thì có cực kỳ nhiều, nhưng tập trung vào tính khả dụng của Mạng xã hội thì có ít thôi, hiện tại mình đã nghiên cứu và thấy có 3 cuốn rất hay đó là:
– Designing for the Social Web ~ Joshua Porter
– Designing Social Interfaces: Principles, Patterns, and Practices for Improving the User Experience ~ Christian Crumlish, Erin Malone
– Building Social Web Applications: Establishing Community at the Heart of Your Site ~ Gavin Bell
Quản lý một mạng xã hội như thế nào?
Thật sự mà nói, quản lý 1 mạng xã hội sẽ rất vất vã. Có thể nói bạn cần phải quản lý cả triệu thành viên, do đó cơ chế quản lý phải hiệu quả nhằm giúp bạn giải quyết được nhiều người như thế.
Có thể áp dụng nguyên tắc một phần là Automatic (tự động), và một phần là Manual (bằng tay). Bởi vì sao? Vì thật ra trung tâm website chính là người dùng, nếu tất cả đều quản lý tự động thì e sẽ không tối ưu, tuy nhiên cũng cần phải có sư giúp đỡ của tự động hóa, chỉ với sức người thì làm sao cho xuể. Chưa kể là phải thuê đội ngũ Moderator (điều hành viên).
Automatic Management: Đối với cơ chế tự động, ta có thể sử dụng các cơ chế ngăn chặn Spam(Akismet..), sử dụng CAPTCHA để tránh tình trạng Flood server và có thể sử dụng các cơ chế thông minh khác để phát hiện ra những User có ý không tốt đối với website của ta.
Manual Management: Đối với cơ chế bằng tay, ngoài việc thuê đội ngũ Moderator cần phải có cơ chế cho phép quản lý tại chỗ các thông tin xấu nhằm tăng năng suất quản lý nội dung. Bên cạnh đó, cần tìm các thành viên tích cực, đây là những nhóm thành viên sẽ giúp bạn rất nhiều vì họ coi website như 1 người bạn hằng ngày, do đó sự giúp đỡ của họ thật đáng trân trọng.
Tận dụng sự giúp đỡ từ các thành viên của website bằng cách đưa ra các chức năng report các nội dung xấu, hoặc dựa vào các Ignored list của các thành viên để tìm ra các thành viên không tốt nhằm “chăm sóc đặc biệt” các thành viên này, giữ cho website luôn hoạt động trơn tru.
Quản lý một mạng xã hội có lẽ là 1 việc làm khá nhọc nhằn, do đó, nếu mạng xã hội của bạn càng “thông minh” thì các thao tác quản lý sẽ nhẹ nhàng hơn.
Có thể nói một mạng xã hội sẽ khó mà tốt nếu không sử dụng Collective Intelligence(CI). Vậy Collective Intelligence là gì?
Collective Intelligence là một chuyên ngành đã được nghiên cứu trước khi được áp dụng cho website và trọng tâm của lĩnh vực này là tìm ra các thuật toán, giải pháp giúp khai thác dữ liệu hiệu quả từ dữ liệu có sẵn của 1 tập thể. Dựa trên dữ liệu có sẵn từ tập thể để đưa ra các đề nghị, dự đoán nhằm phục vụ ngược lại các cá nhân trong tập thể đó tốt hơn.
Nếu bạn nào đã từng đọc cuốn “Trí Tuệ Đám Đông – Vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số” (Wisdom of Crowds) của James Surowiecki thì sẽ thấy trí tuệ của tập thể sẽ thông minh như thế nào và có thể lợi dụng được trí tuệ của tập thể để đem lại kết quả chính xác cho nhiều bài toán phức tạp hoặc những bài toán chỉ có thể dựa vào thông tin của đám đông mới có thể có được.
Cũng trên ý tưởng cơ bản đó, Collective Intelligence nghiên cứu về dữ liệu cung cấp bởi 1 tập thể để đưa ra quyết định, dự đoán tốt hơn. Và lĩnh vực này đã được đem áp dụng cho Mạng xã hội và phát huy tác dụng một cách đột phá. Dựa vào Profile của từng User, sở thích, thói quen truy cập, sử dụng và tương tới với website…mà ta có được các thông tin cần thiết về mối tương quan giữa sở thích, hành vi của các User trong website. Nếu có càng nhiều thông tin dạng này thì hoạt động của CI càng chính xác, thân thiện và hợp lý hơn.
Từ các dữ liệu của User, ta có thể viết ra các chức năng đề nghị như kiểu Facebook với chức năng đề nghị kết bạn, Amazon với chức năng đề nghị sách…Hoặc các chức năng thông minh như lọc dữ liệu, phát hiện các thành viên có “tiền án gây sự” v.v..
Collective Intelligence là một lĩnh vực mới mẻ cho nền tảng web và đang ngày càng được chú trọng khi triển khai website nói chung và mạng xã hội nói riêng. Hãy nghiên cứu và tìm hiểu về CI để giúp cho mạng xã hội của bạn trở nên thông minh và thân thiện hơn.
Hiện có 1 số sách giới thiệu về Collective Intelligence cho website và khá nhiều sách nói về kỹ thuật Data Mining để áp dụng cho Collective Intelligence. 3 cuốn sách khá tiêu biểu cho Collective Intelligence là:
– Collective Intelligence in Action ~ Satnam Alag
– Programming Collective Intelligence: Building Smart Web 2.0 Applications ~ Toby Segaran
– Algorithms of the Intelligent Web ~ Haralambos Marmanis, Dmitry Babenko
Nếu đã là Developer hoặc Programmer, chắc hẳn bạn đã nghe nói tới API. API chính là cách mà các hệ thống mở ra cho bên ngoài có thể tận dụng tài nguyên sẵn có của hệ thống để phát triển thêm tính năng và hỗ trợ thêm cho hệ thống ban đầu. Ví dụ có API cho Win32 để viết các ứng dụng Windows, iPhone OS có API để các nhà phát triển viết các App chi iPhone, Google có Map API để các website có thể sử dụng và tích hợp chức năng Map của Google lên website.
Nói thế chắc hẳn bạn đã có cái nhìn về công dụng của API. Vậy tại sao mạng xã hội của chúng ta lại cần API?
Nếu không có API thì có lẽ Facebook đã không có nhiều Game như hiện giờ và các mạng xã hội khó mà có thể kết nối được với nhau. Như vậy, API sẽ giúp cho mạng xã hội của chúng ta trở nên “open” hơn và cho phép nhiều nhà phát triển – Developer(Game, website..) khác có thể sử dụng thông tin từ website chúng ta để xây dựng các tính năng tốt hơn phục vụ thành viên.
Nói thì thấy đơn giản, nhưng khi triển khai API thì cẩn phải xem xét nhiều điều. Đầu tiên không thể nào không nói đến Security. Mình đưa ra 1 API đồng nghĩa với việc mình mở thêm 1 cánh cửa nữa ra công chúng cho phép truy cập vào hệ thống của mạng xã hội, do đó phải thật thận trọng khi triển khai API. Cần lưu ý là API sẽ cung cấp các thông tin không thể nào nhiều hơn website cung cấp, nếu không nó sẽ phá vỡ yêu cầu về chính sách bảo vệ thành viên mà chúng ta đã phân tích ở trên.
Khi triển khai API thì cũng cần lưu ý đến Mô hình cung ứng API, có thể là API miễn phí hoặc thu phí hoặc các hình thức Hybrid(Hỗn hợp) giữa 2 dạng này. Ngoài ra, lựa chọn mô hình Web Service và Chứng thực khi sử dụng API cũng cần phải được lưu ý.
Như vậy, để 1 mạng xã hội lớn mạnh và có nhiều tính năng hơn cho thành viên, website cần phải có 1 API nhằm tạo điều kiện cho các Developer phát triển thêm tính năng website và đảm bảo theo mô hình Win-Win-Win (3 bên đều có lợi: Mạng xã hội, Developer và User)
Tại sao phải đề cập đến Sự tiến hóa của Mạng xã hội?
Nói đến 1 website thông thường thì người ta thường chỉ nói đến chu kỳ sống của website mà thôi, nhưng nói tới Mạng xã hội thì có lẽ nên đề cập tới sự tiến hóa của nó. Mạng xã hội về cách thức vận hành của nó cũng giống như 1 hệ sinh thái thu nhỏ, có sự sinh trưởng của các cá thể, có sự sinh sôi nảy nở, có đột biến, có mối quan hệ, thành lập quần xã, cô lập, đoàn kết…Do đó, nó cũng sẽ trải qua quá trình tiến hóa, chỉ là vấn đề thời gian. Có khác là bạn-người quản lý- có thể là người can thiệp trực tiếp vào quá trình tiến hóa của nó.
Đến một lúc nào đó, Mạng xã hội sẽ ở trạng thái bão hòa. Có nhiều nguyên nhân giải thích vấn đề này, có thể là do User sử dụng lâu ngày thấy chán, website không có gì đổi mới, nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện, nhiều xicăngdan, tài chính cạn kiệt vì hoạt động không hiệu quả…Có 1 danh nhân đã nói, nếu bạn không phát triển thì bạn sẽ bị tụt hậu, và để giải quyết vấn đề phát triển mạng xã hội, nó cần phải … được tiến hóa.
Vậy Mạng xã hội sẽ tiến hóa như thế nào?
Tiến hóa thật ra nói ví von cho dễ hiểu, đó chính là quá trình chúng ta cải tiến (chứ không phải thay đổi ^^) cách mà website chúng ta đang vận hành. Nếu không có API thì chúng ta cần cung cấp API open để nhiều ứng dụng khác có thể tương tác với ta, giúp mở rộng hơn hệ sinh thái (mạng xã hội) của chúng ta.
Như mình đã đề cập là có 2 dạng mạng xã hội chính: Ego-centric và Object-centric. Đối với Object-centric, việc tiến hóa diễn ra bằng việc tập trung vào Social Object hiện tại và bổ sung thêm “Động từ” cho nó, nhằm giúp đưa ra những chức năng thú vị và bổ ích hơn. Ngoài ra, từ Social Object, có thể phát sinh thêm các Social Object khác có quan hệ gần gũi. Việc thêm 1 Social Object khác vào 1 mạng xã hội hiện đã có 1 Social Object là 1 việc làm cần phải suy nghĩ cẩn thận vì có thể nó sẽ không mang lại lợi ích gì hoặc thậm chí làm ảnh hưởng xấu đến mạng xã hội của mình. Ví dụ như Flickr hiện đang thử nghiệm thêm Video làm 1 Social Object cho mình nhưng đã không hiệu quả và nó đã không phát huy được hiệu quả của nó. Một số ví dụ về việc phát sinh các Social Object tốt được coi là điển hình như là Last.fm phát sinh thêm Social object là Album, Youtube phát sinh thêm Social object là Channel…
Còn đối với mạng xã hội Ego-centric, sự tiến hóa của nó phải tính đến việc sinh ra các Social object để tạo mối quan hệ gắn kết các thành viên với nhau vì nếu chỉ có cái Tôi không thì chưa đủ. Ví dụ Facebook đưa ra Social object là Page, photo….LinkedIn đưa ra Social object là Job..
Ngoài ra, có thể phát triển mạng xã hội hơn nữa ở tầng thành viên. Không chỉ giới hạn chỉ có thành viên đăng ký mới có thể sử dụng được mà có thể sử dụng các cơ chế SSO(Single Sign On) hoặc cho phép dùng OpenID để đăng nhập để mở rộng quy mô và đối tượng phục vụ hơn của mạng xã hội. Ví dụ Flickr đã được Yahoo mua lại và hiện giờ tất cả User có tài khoản Yahoo đều có thể đăng nhập vào Flickr…
Sự tiến hóa của Mạng xã hội như thế nào thì sẽ phụ thuộc vào chiến lược phát triển của bạn, vì mỗi sự cải tiến sẽ có cái tốt và cái chưa tốt, do đó nhận thức và kinh nghiệm sẽ rất cần thiết khi đưa ra các chiến lược tiến hóa cho mạng xã hội.
——————————————————————————————————
Vì bài viết chỉ giới thiệu tới các bạn 1 số kiến thức tổng quát về xây dựng Mạng xã hội nên không thể nào đi sâu vào chi tiết đến từng phần được. Nếu nói kỹ càng hơn chắc phải viết cuốn sách khoảng ngàn trang thì may ra ^^! Tuy nhiên, hy vọng trong thời gian tới mình sẽ đi chi tiết hơn đến từng nhân tố này bởi vì mỗi nhân tố riêng rẻ này đều có thể áp dụng trong công việc phát triển Web nói chung chứ không phải chỉ dành cho Mạng xã hội không.
Có một điều mà bạn cần ghi nhớ khi triển khai mạng xã hội: Không phải Copy ý tưởng của 1 mạng xã hội thành công thì bạn sẽ thành công. Vì cái ẩn sâu bên trong nó bạn không thể nào copy được như là các chiến lược, hỗ trợ, Collective Intelligence và kể cả chiến lược tiến hóa của nó. Good Luck!
rất hay, anh đã từng nghĩ sẽ dựa trên những nguyên tắc trên tự mình tạo ra 1 mạng xã hội chưa?
Hi, mình đang làm điều đó nhưng…bí mật. Khi nào public sẽ cho bạn biết nhé, trong năm nay thôi :D. Cảm ơn đã ghé website.
Phân tích nền rất tốt. Tuấn dạo này viết bài ngày càng hay. 🙂
bài phần tích rất hay và chi tiết, hi vọng có bài phân tích về thương mại điện tử 🙂
Bai viet cua bac rat hay va thu vi. Em co the xin contact cua Bac duoc khong ? Em cung dang co may van de ve mang xa hoi can phai giai quyet ngay. Hy vong som nhan duoc su hoi am cua Bac.
Cám ơn anh Tuấn đã viết một bài cực hữu ích cho ai muốn tìm hiểu bên trong của mạng xã hội.
😀
[…] Nguồn Blog học tập […]
Đẳng cấp.
Hôm nay tự dưng mò thấy cái blog của bạn và đọc bài này mình thấy bạn vừa có năng khiếu văn và kiến thức chuyên sâu rất tốt.
Haha, cảm ơn nhé.
Cám ơn Tuấn. Bài viết rất hữu ích cho mình!
[…] https://bloghoctap.com/web-design/7-nhan-to-thanh-cong-cot-loi-cho-mang-xa-hoi-phan-2.html Share this:TwitterFacebookLike this:LikeBe the first to like this post. Leave a […]
Cám ơn bạn đã cho mình cái nhìn tổng quan về mô hình MXH, mình cũng đang có ý tưởng xây dựng nhưng vướng mắc ở nhiều khoản trước khi đọc bài này
Thanks,
rất hay, thank Tuấn