Học Đại học CNTT nào?

trong danh mục Technology

Cách đây vài ngày có đọc một trao đổi trên Reddit về việc một OP hỏi là nên chọn học CNTT ở đại học Tôn Đức Thắng hay đại học FPT. Có khá nhiều ý kiến, chửi OP ngu có, chửi mấy thằng chửi người ta ngu cũng có và cũng có mấy ý khá thô nhưng thật đó là học trường nào ra cũng như nhau vì cũng không phải trường top và cầm tấm bằng tốt nghiệp của 1 trong 2 trường này là same same.

Tất nhiên sẽ có nhiều quan điểm bên ngoài là thời nào rồi mà còn phân biệt bằng đại học, miễn ra làm được việc là được, không nên kì thị blah blah…Vậy thì quý vị hãy nhìn xung quanh để xem vì sao các trường top được tranh giành ứng tuyển, những quản lý cấp cao hầu hết đều nằm ở trường top, hoặc mức lương trung bình của các bạn tốt nghiệp trường top sẽ cao hơn các bạn tốt nghiệp trường non-top.

Nhìn bề ngoài thì có vẻ kì thị, nhưng thực ra vấn đề lớn tạo nên điểm khác biệt ở hai môi trường này là “Bạn có gì trước khi vào trường top” và “Bạn sẽ có gì sau khi ra trường top”. Nếu xoay quanh 2 câu hỏi này thì sẽ dễ hình dung hơn vì sao có sự chênh lệch và phân biệt đối xử này từ thị trường tuyển dụng & việc làm IT.

Để vào trường top các bạn ít ra phải là một tay đáng gờm (bên cạnh sự may mắn, mấy ông rớt hay nói mấy ông đậu ăn hên) nên việc bạn học ở đâu không quan trọng (tất nhiên bạn sẽ chọn học trường top). Và với trí não (hoặc bà đãi) như vậy thì việc sau này đi làm gặp nhiều thuận lợi hơn là điều dễ đoán.

Tiếp đến, học trong trường top theo mình thấy được nhà trường đào tạo các môn ban đầu nhìn vào hoặc từ bên ngoài nhìn vào tưởng chừng như nhảm nhí, dư thừa nhưng thật ra càng đi làm mình càng thấy cực kì hay và thấy may mắn nhờ những môn học đó gieo vào đầu mình những hạt giống kiến thức nền tảng.

Ví dụ Tứng học khoa CNTT ở trường KHTN HCM (nghe nói trường này cũng đã từng đứng top), những môn mà lúc học thấy khá vô nghĩa như thời này mà còn học Assembly để làm gì, rồi còn học thiết kế mạch logic, toán rời rạc, mạng máy tính cơ bản, blah blah…Và được ca tụng nhất là môn Triết học. Riêng về cái triết học thì lúc học mình khá hứng thú tới khoảng 20-30% gì đó trong thời gian học (còn lại chủ yếu ngủ hoặc trốn) nhưng những bài học về triết học giờ ngẫm lại có ý nghĩa, ví dụ “Biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất”, nghe nhồi sọ nhưng thật ra nếu bạn làm ở ngành thiết kế hệ thống, với lượng truy cập ngày một lớn (lượng) thì bạn không thể dùng giải pháp hiện có mà phải thay đổi giải pháp (chất) để thích nghi, đó chỉ là một ví dụ nhỏ của việc học…triết học.

Do đó, nếu lỡ không được học ở một trường giúp tiếp cận các nền tảng công nghệ ở cấp độ cơ bản thì bạn có thể tự trang bị các kiến thức này. Việc tự trang bị kiến thức nền sẽ giúp bạn không cần bằng đại học trường top vẫn cạnh tranh với các ứng viên trường top, hay bà con thường gọi là “cần cù bù thông minh”.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi, hy vọng các sĩ tử đạt được trường tốt mà mình ngắm.

Fighting!!!!

Gởi bình luận