Review sách “The Accounting Game” của Darrell Mullis và Judith Orloff

trong danh mục Review sách

the-accounting-game-book-cover

Nếu bạn đã từng thử tìm hiểu về kế toán, cố tìm và đọc sách về kế toán để có thêm chút hiểu biết để vận hành doanh nghiệp nhưng cuối cùng đã bị lạc giữa mê hồn trận thì chúc mừng bạn, bạn đã giống mình và rất nhiều người khác trên thế giới. Mình đã từng thử học kế toán và đã thất bại thảm hại. Hai, ba lần đều như một. Các sách đều nặng về lý thuyết và 1 rừng thuật ngữ cao siêu nhưng rất ít ví dụ khiến mình rất dễ bị ru ngủ và bỏ cuộc sau 1 thời gian ngắn.

Mình đã thử một cách tiếp cận khác, thử học kế toán bằng sách tiếng Anh và có thể trên thế giới có 1 cuốn sách nói về kế toán dễ hiểu hơn thì sao, lên Amazon tìm thì ra cuốn “The Accounting Game” (Darrell Mullis, Judith Orloff). Và đúng là như những review trên Amazon, kết quả thật bất ngờ. Mình đã hiểu khá nhiều từ khóa, khái niệm và tư tưởng cốt lõi của kế toán.

Sách trình bày theo một cốt truyện sáng tạo, lấy câu chuyện một cậu bé trong dịp nghỉ hè đã dựng lên một sạp bán nước chanh và bán cho hàng xóm. Từ một gánh nước chanh nhỏ, các khái niệm của kế toán dần dần được hình thành. Hầu hết tất cả các khái niệm đề cập trong sách mình đều đã nghe đến, nhưng thực sự không thấy mối liên kế giữa các khái niệm này cho đến khi đọc xong cuốn sách.

Bắt đầu với công thức cơ bản trong bảng cân đối kế toán là Tài sản (Asset) bằng với nợ (Ability) cộng với vốn chủ sở hữu (Equity), các khái niệm dần được thêm vào trong quá trình phát triển của gánh nước chanh. Rồi đến bảng báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo dòng tiền. Rồi những ví dụ về giá trị tồn kho (FIFO, LIFO), sự khác nhau giữa các cách thức cũng như vận dụng để “tránh” thuế như thế nào. Rồi đến cách tính khấu hao tài sản, thiết bị, công cụ cũng như 2 phương pháp kế toán Accrual và Cash. Rồi đến báo cáo các khoản vay nợ ngân hàng, công nợ nhà cung cấp hoặc người khác nợ mình thế nào, rồi cách tính và phân loại chi phí, rồi bị xù tiền…

Và gần cuối sách cũng đề cập đến việc diễn giải kết quả kinh doanh khác nhau có thể cho thấy 1 doanh nghiệp có thể có lời theo cách diễn giải này nhưng thua lỗ khi diến giải cách khác và vì sao một số doanh nghiệp tận dụng những cách diễn giải này để tránh thuế cũng như xây dựng một hình ảnh “sạch” trước nhà đầu tư. Và đặc biệt nhấn mạnh tiền mặt (Cash) là thứ cực kỳ quan trọng và nên nhớ nằm lòng điều đó.

Quả thật mình khá ngạc nhiên với lượng kiến thức thu gom được sau khi đọc sách, mặc dù đó là đọc sách tiếng anh. Việc còn lại chỉ là dịch 1 số thuật ngữ ra tiếng việt là mình cũng nắm phần nào các từ ngữ trong kế toán. Sách dày 180 trang, ngôn ngữ dễ đọc và không đi quá sâu vào chi tiết của kế toán, nhưng nó đủ làm một nền tảng kiến thức kế toán để nếu bạn quan tâm có thể đào sâu hơn trong lĩnh vực kế toán “phức tạp” này. Nếu được chắc mình sẽ đọc lại lần 2 để thấu hiểu hơn.

Đọc từ trước Tết và vừa hoàn thành trưa này, và đến giờ còn không ngờ là mình học kế toán bằng tiếng Anh và mình nghĩ các bạn cũng nên đọc sách này để mở mang thêm vốn kiến thức ít ỏi về kế toán của mình. Đặc biệt khuyến nghị cho các chủ doanh nghiệp nhỏ muốn hiểu rõ hơn về một vùng đất u ám, xám xịt và chán ngắt này.

Gởi bình luận