Khoảng 8 năm trước, từ lúc bỏ mô hình Server Side Rendering (jQuery, Ajax…) và bắt đầu xây dựng hệ thống dựa trên mô hình Microservices & Single Page App (SPA) và sử dụng hoàn toàn frontend bằng Reactjs thì cũng là lúc bắt đầu chơi với WebSocket cho các tính năng tương tác hai chiều (Client < — > Server) theo thời gian thực.
Hoạt động của WebSocket khá đơn giản: trình duyệt kết nối tới một Socket server, lắng nghe trên 1 (hoặc nhiều) channel mình khai báo rồi…chờ message trên channel đó. Server muốn gửi dữ liệu cho trình duyệt của user thì chỉ cần đẩy message vào channel này, trình duyệt sẽ tự động nhận message và xử lý (ví dụ như hiển thị thông báo trên trình duyệt hoặc một hành động khác.)
Nhiều người khi nghe nói đến Websocket thì chỉ nghĩ đến các tính năng realtime chat, nhưng Websocket có nhiều ứng dụng, trong đó mình sử dụng nhiều nhất cho 3 chỗ trên trình duyệt: Nhận thông báo mới (Notification), Cập nhật dữ liệu cache trên trình duyệt (Realtime Data Update) và Trạng thái online của user (Online Presence).
Các phần mềm hỗ trợ WebSocket Server
Thời bấy giờ không có nhiều lựa chọn, ứng cử viên sáng giá nhất là Socket.IO: Open Source – Miễn phí, tự cài đặt trên server riêng và Pusher: Cloud, không cần cài đặt gì hết và trả phí.
Socket.IO thì hầu như không có nhiều đồ chơi, ngoài việc chỉ hỗ trợ trình duyệt kết nối socket tới server, không có cơ chế xác thực (Authentication), muốn làm gì thì phải chủ động code tính năng hết. Do mình làm ứng dụng cho dự án SaaS và multi-tenant nên khối lượng code viết thêm nếu làm trên SocketIO là quá lớn nên buộc phải tìm giải pháp khác, và lúc này Pusher đã xuất hiện.
Pusher cung cấp cơ chế WebSocket với nhiều tính năng, trong đó có 2 tính năng nổi bật nhất là hỗ trợ Authentication xác thực user kết nối và Presence Channel để biết ai đang online/offline. Ngoài ra, Pusher còn cung cấp các thư viện tích hợp cho cả Javascript (gắn ở trình duyệt) và PHP (gắn ở server) để xác thực và trao đổi dữ liệu realtime giữa client và server được đơn giản và nhanh chóng, rút ngắn thời gian phát triển.
Có một bất lợi duy nhất của Pusher là…chi phí. Do đặc thù của một hệ thống Realtime là số lượng kết nối thường xuyên đến socket server, nên chi phí tính dựa vào số lượng kết nối. Sau khi đánh giá thì với chi phí của Pusher so với những lợi ích nó mang lại thì quyết định chọn Pusher.
Thay thế Pusher bằng Soketi
Mười ngày trước, nằm trong tuần lễ cải tổ hệ thống, trong đó có hạng mục nâng cấp phân hệ Pusher sau một thời gian dài sử dụng, thì thấy chi phí hiện tại không ổn nếu scale lên vài ngàn socket connection dựa trên Pusher, cũng như áp dụng cho các khách hàng outsourcing.
Thật may mắn là đã tìm ra Soketi, một open source cài đặt trên server của mình và cung cấp các tính năng gần như tương tự của Pusher. Và đặc biệt quan trọng là tương thích hoàn toàn với các thư viện kết nối ở phía Javascript và PHP, tức là không phải thay đổi cơ chế kết nối và lắng nghe message, chỉ cần cài Soketi (có hỗ trợ docker), sau đó thì config trỏ lại kết nối đến Soketi Websocket server vừa cài là xong.
Sau một tuần triển khai lên các môi trường dev và production cho các dự án thì thấy hoàn toàn ổn định, kết quả này cũng là cảm hứng cho bài viết chia sẻ công nghệ này. Hy vọng anh chị em có một hệ thống Websocket ngon, bổ rẻ để xây dựng các tính năng realtime cho môi trường web.
cho mình cin hướng dẫn cách thiết lập soketi vào flutter (client) với, thanks