Cũng gần một tháng kể từ bài viết đầu tiên trong chuỗi bài “Bàn về sách” viết về mục đích của việc đọc sách, nay mình tiếp tục loạt bài này với chủ đề khá gần gũi là bàn về mua sách. Mua sách không đơn giản là ra hiệu sách chọn 1 cuốn rồi mua hoặc lên mạng thấy ai review hợp gu mình thì mua. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc chọn lựa sách sao cho đảm bảo chất lượng và kinh tế nhất.
Tại sao mua sách?
Việc tại sao chúng ta mua sách thì có thể được lý giải phần lớn ở bài đầu tiên là bàn về mục đích của việc đọc sách. Mỗi người tại mỗi thời điểm sẽ có những mục tiêu khác nhau dẫn đến hành động mua sách. Phần lớn là mua sách để trau dồi kiến thức, kỹ năng và thư giãn, giải trí.
Các bạn cũng cần hiểu là mua sách không nhất thiết là để đọc (OMG!!!). Mình cũng mua nhiều sách, truyện cũng không phải để đọc, mà là mục đích sưu tầm như là các bookset ra mắt có hạn lượng (limited edition), hoặc sách cổ trong ngành. Ngoài ra, cũng có mua sách để tặng bạn bè tâm giao hoặc anh em đồng nghiệp.
Mua sách khi nào?
Thời điểm mua sách cũng là một vấn đề nhiều bạn băn khoăn. Hầu hết mọi người chỉ mua sách khi bị ai đó ép mua, như thầy/cô/sếp/vợ/chồng/con. Tuy nhiên, bản thân cảm thấy các thời điểm mua như trên chỉ khiến bạn coi việc mua sách (và đọc nó) như một nhiệm vụ và khó lòng tiếp cận nội dụng của sách một cách sâu sắc và toàn diện.
Mình vẫn khuyên mọi người là việc mua sách phải xuất phát từ chính bản thân mình chứ không phải bị ép buộc, có nghĩa là bạn phải có trách nhiệm tìm kiếm, lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp và ra quyết định mua nó. Việc mua sách đối với mình thường diễn ra trong 2 tình huống.
Đầu tiên là mua sách định kì, tức là bạn sẽ mua sách đều đặn mỗi tuần. Trái với một số quan điểm mua sách là để đọc ngay, đôi khi mình mua sách nhanh hơn tốc độ đọc (tất nhiên có những lúc ngược lại nếu sách dễ đọc) nên việc thường xuyên có sách chưa đọc trong tủ sách ở nhà hoặc ở công ty là bình thường. Tất nhiên là trước sau gì cũng đọc thôi chứ không phải để đóng bụi.
Tình huống thứ hai là mua sách ngẫu hứng, tức là vô tình thấy cái hình bìa đẹp, thiết kế cầu kỳ, nội dung trình bày đẹp là mua. Hoặc đơn giản là thấy một số review trên mạng về 1 cuốn sách nào đó hoặc được đề cập trong một cuốn sách khác. Để đảm bảo an toàn kinh tế, mình luôn dành ra ngân sách cố định trong 1 tháng để mua sách, tránh tình trạng mua quá tay như mấy chị em tiêu xài thả ga, lúc nhìn lại thì hối hận.
Mua sách ở đâu?
Một khi quyết định mua sách thì hiện tại có khá nhiều nguồn để bạn mua sách. 3 nguồn mình hay mua sách nhất là Hiệu sách, Tiki và Amazon. Đôi khi cũng mua shopee vì có một số cuốn không tìm ra ở hiệu sách hoặc tiki thì hết hàng.
Đối với sách tiếng Việt thì kinh nghiệm cho thấy là mua trên Tiki rẻ hơn 15-30% nên tiết kiệm kha khá cho những cuốn sách trên 100k. Còn nếu khi đang dạo nhà sách thì nếu sách dưới 100k và ưng ý thì mình thường mua luôn tại chỗ cho lẹ, đỡ chờ đợi setup giao hàng.
Còn về sách tiếng anh thì mặc dù Tiki có một số đối tác bán sách tiếng anh như Fahasa, Experal…nhưng phần lớn sách không nhiều, mình cũng chỉ mua vài cuốn trên tiki mà thôi vì gu sách lựa chọn nhập hàng không hợp. Còn phần lớn mình sẽ lựa chọn sách trên Amazon và nhờ dịch vụ ship hàng amazon mua hộ. Phải nói sau rất nhiều thời gian thì mình cũng tìm được một đối tác ưng ý để mua sách từ Amazon hơn 1 năm qua, bạn có thể liên hệ page ShipHangUS.GlamourShopping, chat đưa link sách trên Amazon để nhờ bên đó báo giá final khi về Việt Nam nhé (nhớ nói có Tuấn hay mua sách amazon giới thiệu để biết đâu bên đó tặng quà cho tui).
Mua sách gì?
Bám sát vào mục đích đọc sách của mình thì bạn sẽ biết nên mua sách gì. Phần này mình chỉ đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp bạn đỡ quyết định sai lầm khi mua sách.
Tìm theo chủ đề: phần lớn chúng ta mua sách theo các chủ đề mình quan tâm nên nếu tìm sách hoặc được giới thiệu sách theo chủ đề hứng thú thì bạn sẽ dễ dàng ra quyết định hơn.
Tìm theo nhà xuất bản, công ty sách: nếu đọc sách nhiều, bạn sẽ thấy có những nhà xuất bản uy tín và sách của các đơn vị này đọc hay hơn. Lý giải việc này thường do các đơn vị lớn thường hợp tác với các tác giả nổi tiếng, lấy độc quyền xuất bản với những sách best seller nên sách của họ cũng dễ được tiếp nhận hơn so với các đơn vị “chân ướt chân ráo” vào ngành này. Tất nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi bởi phí bản quyền, tác giả sẽ cao và các đơn vị này phải chịu các rủi ro này nếu sách…ế.
Tìm theo tác giả: một vài người sẽ có ưu ái hơn cho một số tác giả mình yêu thích và đọc sách của những tác giả đó nhiều hơn vì mỗi tác giả thường dính vào một chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Sẵn đây mình cũng có một lời khuyên là đừng nên đọc một cuốn sách không có tác giả hoặc không biết tác giả là ai.
Đối với mình, tối kỵ nhất là khi đọc một cuốn sách mà không nắm được bối cảnh, trình độ (nếu sách chuyên môn) của người viết và khi muốn “góp ý” thì cũng sẽ không biết góp ý thế nào và bị rơi vào trường hợp “cha chung không ai khóc”, sẽ khiến tác phẩm là một sự góp nhặt mơ hồ.
Mua sách thế nào?
Phần lớn sách mình mua là sách giấy (xin lỗi các bạn theo trường phái bảo vệ môi trường ^^!), nhưng quả thật cầm một cuốn sách giấy, ghi chú, đánh dấu lên đó vẫn mang lại một cảm giác khoan khoái và sở hữu điển hình khi đọc sách giấy.
Trong một số trường hợp thì buộc phải mua ebook (amazon) nhưng quả thật đọc khá nhanh và không sâu lắng bằng sách giấy. Nếu Amazon có cuốn sách giấy và cả ebook thì phần lớn mình đều đặt mua sách giấy và chờ ít nhất 2 tuần để cầm trên tay và đọc nó.
Hiện tại có thể loại sách nói, tức là thay vì nghe nhạc thì mình nghe người ta đọc sách. Thử vài lần từ chục năm trước và năm nào cũng thử nhưng hoàn toàn không phù hợp với mình bởi cá nhân mình thấy đọc sách là một hành động chủ động và đơn tác vụ. Trong khi nghe là một hành động bị động và khuyến khích đa tác vụ, nên bạn thường vừa nghe nhạc, vừa làm gì đó và lỡ nhạc có trôi qua mà bạn không nghe kịp thì cũng kệ, có bao giờ kéo lại 5s để nghe lại không? Có thể chính vì 2 yếu tố đó mà sách nói không tiếp cận với mình được. Có thể nó hợp với bạn và nên thử xem sao.
Ngoại truyện #1: ghi chú về thiết kế
Nhìn lướt qua “ngoại quan” của một cuốn sách thì bạn có thể đánh giá là nên mua sách đó hay không. Có người nói rằng không nên đánh giá cuốn sách dựa vào cái bìa, nhưng hiện tại, với số lượng sách xuất bản rất nhiều hằng năm, và tôi đảm bảo với bạn 95% trường hợp nhìn vào cái bìa bạn sẽ đánh giá được có cần bỏ qua cuốn đó hay không.
Nếu một cuốn sách đáng đọc thì tác giả, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách sẽ cố gắng (không nhiều thì ít) cho một cái bìa đáng xem. Nếu không phải là sách dịch (bìa thường chuẩn và theo quy cách của sách gốc) thì sách mới sẽ cần một cái bìa đơn giản, thể hiện được tâm ý chung của cuốn sách là được. Bạn có muốn đọc những cuốn sách mà bìa như mấy cuốn sách đại cương hồi học đại học hoặc mấy cuốn luật, triết học?
Bên cạnh thiết kế bìa sách, font chữ của nội dung sách cũng đáng bàn. Đôi khi bạn bắt gặp một cuốn sách mà font chữ bự gấp đôi thông thường, và dường như nhìn vào chỉ thấy là sách dày do chữ bự chứ không phải nội dung nhiều. Đối với loại sách này thì cũng không nên mua, trừ sách dành cho người cận thị.
Ngoại truyện #2: ghi chú về sách giả
Ngày nay, vấn nạn sách giả được các công ty sách chia sẻ và đề cập đều đặn trên tất cả các mặt trận và có đọc ngày càng nhiều thì mình không muốn mua phải sách giả. Tác hại của nó thế nào thì bạn cũng có thể tự tìm hiểu, tác hại nhất đối với mình là sẽ không còn sách chất lượng trong tương lai nếu tình trạng này tiếp diễn.
Mua sách trên Lazada: Hiện tại, mình có thử tìm một số sách công nghệ trên Lazada (vì các site khác không có) thì có đơn vị bán, hỏi vì sao sách tiếng anh mà rẻ vậy thì được báo là không phải sách giả đâu, chỉ là sách hardcopy (là sách photocopy) và sách clone (OMG!!!). Nếu là sách copy thì cứ nói là sách copy, không phải sách thật để mình lượn cho lẹ, đằng này làm vậy sẽ ảnh hưởng đến những người mua sách thật.
Ngoại truyện #3: ghi chú về bọc sách
Có nhiều người rất thích được bọc sách và bọc miễn phí càng khoái, mình thì ngược lại. Khi cuốn sách của bạn được bọc có nghĩa là nó phải bị bóc tem, bóc seal và bẻ cong bìa để đưa cái bọc sách vào, nếu làm không khéo sẽ khiến cho bìa sách bị hư phần gáy trước và sau, khiến sách mới sẽ trông rất rẻ tiền.
Xin các công ty có ưu đãi bọc sách miễn phí tự động hãy cho người mua một option đừng bọc sách bởi vì 100% trường hợp khi nhận được 1 cuốn sách được bọc sẵn thì mình đều cắt bỏ cái bọc ra và chửi rủa cái tên nào gấp cái bìa sách của mình.
—
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về việc tưởng chừng như đơn giản là đi mua sách.
Đọc bài viết của bạn mình thấy đồng cảm. Cá nhân mình thì vẫn thích đọc sách giấy hơn tuy việc mua sách giấy đối với mình khá khó khăn vì ở nước ngoài. Đọc sách bằng ngoại ngữ khác thì mình vẫn chưa thực sự thấy chín.
Nhiều lần về vn mình hay lượn để tìm sách cho con trên Đinh Lễ. Mỗi lần sang vali đều 10 kg sách.
Thân,
MÌnh có thói quen cứ thấy sách hay lại mua về, nhưng lại mua nhiều quá đọc không kịp. Không kìm chế được mà.