Categories
AI

Hiểu AI, làm chủ AI

Tuấn dám chắc là nếu một ngày bạn mở máy lên, nếu không “đụng” các công cụ AI thì bạn cũng sẽ nhìn thấy, nghe thấy hoặc bắt gặp cụm từ “AI” trong dòng thời gian của bạn. Nói như vậy để cho bạn thấy rằng AI nó đã len lõi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta và như là một phần tất yếu của cuộc sống.

Tuấn đã muốn viết bài này để dành tặng cho TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, đặc biệt là những người không phải dân kỹ thuật công nghệ, những người mà theo mình quan sát là “sợ” AI. Phần lớn các bạn không hiểu cách thức AI được tạo ra, vận hành nên e dè, dẫn đến cảm giác lo lắng, đôi khi vô tình đọc vài bài viết ở đâu đó hù doạ thì lại hoang mang và lại không dám đào sâu tìm hiểu. Và một khi bạn đã “sợ” nó sẽ dẫn đến việc ngại tiếp xúc, anti và…tụt hậu.

Nói về thế giới AI, mỗi tuần (thậm chí mỗi ngày) bạn sẽ đọc thấy công ty này vừa ra đời AI này, tập đoàn nọ vừa nâng cấp AI phiên bản mới, hoặc bắt gặp một vài ông đeo mắt kính dày cộp tuyên bố vừa tạo ra một con AI kiệt xuất có khả năng đánh bại các ông lớn vì siêu năng lực của con AI vừa tạo ra.

Rồi thì những tin tức khác như là công ty A đã đưa AI vào quy trình giúp tiết kiệm tiền, thời gian hoặc công ty X có thể kết nối các AI lại với nhau tạo thành một mạng lưới nhân viên không cần con người. Với lượng thông tin đồ sộ như vậy thì việc không biết bắt đầu từ đâu là chuyện hiển nhiên, kể cả các bạn trẻ đang hứng thú tìm hiểu và muốn dấn thân.

Để có thể nắm bắt được toàn bộ những gì mà ngoài kia đang nói về AI, bạn chỉ cần nắm một từ khoá kinh điển sẽ giúp bạn từ giờ về sau sẽ hiểu toàn bộ thế giới AI, đó là “AI Model”.

Tuấn suy nghĩ khá nhiều để tìm cách giải thích dễ hiểu nhất về AI Model, thì xuất hiện hình ảnh BÓNG ĐÈN. Bây giờ, bạn hãy coi các AI Model là các loại bóng đèn khác nhau thì tất cả tin tức về AI sẽ rất dễ hiểu.

Sẽ có 2 nhóm người chính tham gia vào dòng đời của Bóng đèn. Một nhóm suốt ngày nghiên cứu, suy nghĩ để tạo ra các loại bóng đèn ưu việt hơn, cạnh tranh với các công ty bóng đèn khác.

Nhóm còn lại chính là nhóm sử dụng bóng đèn, tức là các bạn. Mỗi ngày bạn sẽ bật đèn khi cần, và tất nhiên trong nhà không chỉ có 1 loại bóng đèn, có đèn phòng khách, đèn bàn, đèn ngủ…

Do đó, AI Model là cốt lõi của toàn bộ kiến thức về AI. Các công ty lớn sẽ đua nhau tạo ra các AI Model ngày càng xịn để cạnh tranh giành giựt người dùng, ví dụ như OpenAI là công ty liên tiếp tạo ra các AI Model như GPT-3.5, GPT-4o..rồi Google với AI Model Gemini 2.0…vân vân và mây mây.

Việc tạo ra các AI Model hiện đại ngày nay rất tốn kém nên phần lớn là các công ty nhà giàu. Có công ty thì chia sẻ source code quá trình tạo ra AI Model của họ, nên các bạn sẽ thấy khái niệm Open Source AI Model (như các AI Model của Alibaba)

Còn phần còn lại của thế giới AI chính là…sử dụng AI Model mà thôi. Một số phần mềm được tạo ra, sử dụng các AI Model nên bạn nhầm tưởng phần mềm đó thông minh, thực chất là phần mềm đó dựa vào một AI Model nào đó thông minh mà thôi. Ví dụ ChatGPT là phần mềm, Gemini là phần mềm, Cursor là phần mềm…và tương lai sẽ có nhiều phần mềm hơn nữa, vì làm phần mềm dễ mà, làm AI Model mới khó.

Vậy giờ đây bạn có thể đọc toàn bộ các tin tức về AI trong và ngoài nước sẽ hiểu họ đang nói về việc tạo ra AI Model mới hay đơn giản chỉ là sử dụng nó mà thôi. Còn chữ “AI” nó chỉ là một từ viết tắt chung chung nói về một lĩnh vực khoa học.

Vậy, bạn thích là người tạo ra bóng đèn, sử dụng bóng đèn hay gắn phụ kiện lên bóng đèn rồi đi bán lại giá cao hơn?!!

#AI_MODEL

Categories
AI

AI Agent và khả năng thấu thị

Nếu bạn nghĩ AI Code Agent nó chỉ tạo được content cho prompt thì mình giới thiệu với bạn việc nó “đoán” được ý đồ của bạn và đề xuất hẳn 1 thứ mà bạn chưa hình dung tới.

Ở đây AI Agent đã đề xuất 1 component #OmnichannelSectionFAQ (Line 19) để mình làm tiếp, mặc dù khái niệm này chưa từng xuất hiện trong source code, nhưng theo sự hiểu biết của “nó” thì kiểu mình đang thiếu 1 block là FAQ ngay chỗ đó, bạn nên thêm vào đi.

Chính việc đề xuất tưởng chừng như rất nhỏ này nhưng thực sự nó là đúc kết của kiến thức “nhân loại” và chỉ cần TAB một cái là…xong.

Suggestion là một trong những hành vi của AI Agent giúp cho bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian, và càng “ăn nằm” với nó lâu thì bạn sẽ thấy dường như nó có giác quan thứ sáu và nó “hiểu” được bước đi tiếp theo của bạn là gì.

So creepy!!!!

Categories
AI

AI Agent & chất lượng code

Chia sẻ này bắt nguồn từ một bình luận mà mình vô tình thấy trên facebook, nói đại khái rằng trong tương lai thì source code do AI Agent tạo ra sẽ ngày một nhiều và khả năng sẽ có nhiều vấn đề về bảo mật hơn. Sẵn tiện bàn về chất lượng code của AI Agent nên mình mạo muội chia sẻ một số quan sát của bản thân về chủ đề này.

Trước tiên, Tuấn sẽ dẫn bạn đến một chủ đề khá là không liên quan đến AI, đó là … lý thuyết ràng buộc (Theory of Constraints – TOC). Lý thuyết này diễn dịch ra một cách nhà quê là trong một dây chuyền sản xuất (ví dụ sản xuất hàng hoá, sản xuất phần mềm, dịch vụ..), thì sức mạnh của dây chuyển đó bằng với sức mạnh của mắc xích yếu nhất.

Hồi xưa lúc tập tành nghiên cứu về bảo mật thì lý thuyết này nó thể hiện rất rõ nét và hầu hết sách nào cũng đề cập, khả năng bảo mật của hệ thống chính là bằng khả năng bảo mật ở nơi yếu nhất trong hệ thống đó. Do đó, việc luôn theo dõi và phát hiện nơi yếu nhất cũng như cải tiến nơi yếu nhất sẽ giúp cải thiện sức mạnh, năng lực của toàn bộ hệ thống.

Quay lại AI Agent, mình đánh giá chất lượng code của nó tạo ra sẽ dựa trên những gì nó được huấn luyện (training) từ model của nhà cung cấp và học hỏi (learning) từ code của dự án hiện tại mà bạn muốn nó học và làm theo. Nếu nói code nó tạo ra là shit, thì bản thân cái thứ bạn đem đi dạy dỗ nó có thể đã có vấn đề và cần tập trung vào đó sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Do đó, trước khi đánh giá AI Agent tạo ra code dỏm, nên tập trung vào bạn đã đem cái gì đi dạy dỗ nó, và bạn đã thực sự dạy dỗ nó như một người sẽ là truyền nhân của mình hay chưa.

Trong tương lai gần, ngoài việc các model được training từ tập source code public, đáp ứng các tiêu chí bảo mật (ví dụ OWASP) thì nó sẽ dựa vào cách bạn dạy dỗ nó. Một cách gần gũi nhất là thay vì kêu nó học code của bất kì lập trình viên nào trong team, thì có thể kêu nó học từ các commit của những lão làng (sernior) của công ty để đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, các AI Agent trong tương lai sẽ hoàn toàn phát hiện được những “yếu kém” trong code của bạn bởi các tool bảo mật, Automated testing đã đạt được tới trình độ này rồi.

Categories
AI

ChatGPT không biến bạn thành kỹ sư phần mềm

Sáng nay có coi một video 8 phút nói về việc liệu có phải đã đến ngày tàn của Software Engineer, với nội dung bàn về Chatgpt (và các công cụ AI) đã giúp các tập đoàn công nghệ như Meta, Google, Saleforces… cắt giảm hàng chục ngàn nhân sự, và có một bình luận khiến mình chú ý đại khái là “Chính vì những cái video như này mà làm cho mọi người tưởng rằng làm phần mềm dễ lắm…”.

Lân la facebook thì thấy status như hình thì quả thật hiện tại sự “ngộ nhận” của dân ngoài ngành về phát triển phần mềm đã đẩy lên cao trào, và mọi người có lẽ nghĩ rằng mở Chatgpt lên, gõ gõ vài chữ là tạo ra được một phần mềm theo ý muốn và chạy được ngon lành. Có lẽ đây chính là hậu quả của việc tuyên truyền vibe-coding quá mức.

Nhân tiện trao đổi về sự nhầm lẫn này thì mình cũng chia sẻ với các bạn nào có “ý định” như tác giả trong hình thì để sử dụng được AI vào lập trình phần mềm, đó là điều tối thiểu bạn phải biết là…cách làm phần mềm.

Để làm được một cái phần mềm thì bạn phải biết được cách thức phần mềm được tạo ra và chạy như thế nào. Mỗi phần mềm sẽ có cách thức chạy khác nhau (gọi là môi trường), đó có thể là phần mềm chạy trình duyệt web (Chrome…), chạy trong thiết bị di động (Mobile, Tablet), chạy trên máy tính (Windows, Macbook..), chạy trên máy xay sinh tố hoặc chạy trong…XXX.

Sau khi đã biết phần mềm của mình cần làm sẽ chạy trên môi trường nào, tiếp theo là bạn phải biết một (hoặc một vài) ngôn ngữ lập trình và cách nó triển khai trên môi trường bạn muốn.

Chúc mừng bạn, sau khi nắm được 2 yếu tố này thì bạn đã trở thành một lập trình viên nửa mùa. Giờ đây, với sức mạnh của AI, từ lập trình viên nửa mùa bạn đã có thể làm mọi điều bạn muốn và tự gọi mình là một Software Engineer.

AI Agent chỉ giúp bạn từ làm nhiều, làm nhanh (one-to-many) chứ sẽ không giúp bạn làm được (zero-to-one), chỉ cần bạn có chút nền tảng lập trình thì mọi việc sẽ diễn ra rất nhanh, nhất là làm phần mềm.

Nếu các phương tiện truyền thông tập trung vào yếu tố tạo ra những lập trình viên thế này và sự giúp đỡ của AI, thì trong tương lai chúng ta sẽ có rất nhiều lập trình viên. Và mình nhận định sẽ ngày càng có nhiều lập trình viên, chứ không phải ít đi do AI. Chờ xem!

Categories
AI

Midjourney v7: Cái nhìn đầu tiên

Đang nhờ ông thần Chatgpt nó tạo cho cái hình để gắn vào landing page. Ngoài việc tạo mấy hình mờ mờ ảo ảo (kiểu 3d, hoạt hình) và văn bản chính xác là thế mạnh thì chất lượng render các hình ảnh người thật thì phải nói…thua xa Midjourney.

Khá thất vọng với kết quả của Chatgpt, ổng chỉ được cái giúp tạo nhanh cái prompt, để copy đem qua Midjourney dùng. Hôm nay lần đầu thoát khỏi Discord để dùng chính thức phiên bản web của Midjourney, nhìn rất gì và này nọ.

Sau khi kích hoạt chế độ Personalization profile thì đúng là chất lượng của Midjourney version 7 rất ấn tượng. Vậy là đỡ phải lên shutterstock mua hình hoặc bỏ tiền tấn ra studio chụp. Ông nhân viên thiết kế này thì cũng làm việc 24/7, nói gì nghe đó mà mức lương thì cũng vài trăm ngàn / tháng, mặc dù khá hướng nội và ít nói.

Trong hình minh hoạ là 2 prompt tạo hình ở version 7 (mới nhất) và version 6.1, bạn có thể xem và đánh giá. Midjourney vẫn là một cái gì đó mà Dall-E của Chatgpt khó vượt qua được.

#ai #midjourney

Categories
AI

Vibe Engineering

Tứng là một người anti cái trend gọi là “vibe-coding“, cái khái niệm này về mặt định nghĩa nó không có ý nghĩa thực tiễn lắm, hiếm khi bạn ngồi gõ gõ với con chatbot mà tạo ra cho bạn một sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh và kiếm được tiền.

Thuật ngữ phù hợp nhất mà theo Tứng dùng và cũng có nhiều anh em trong giang hồ sử dụng đó là “vibe-engineering“. Chúng ta là những engineer, sử dụng chatbot để hỗ trợ quá trình engineering và đạt được một sản phẩm phần mềm hoàn chỉnh.

Trong hình là một ví dụ về việc mình đang “vibe” với bạn-nhân-viên-mới ở công ty. Thông thường, khi có một dev mới vào công ty, Tứng vẫn trải qua bước training về convention cũng như các lưu ý khi tạo controller, model, table….Nhân viên mới này cũng như vậy, tuy nhiên khác bọt to lớn là nhân viên này chỉ nhận lương có vài trăm ngàn / tháng, làm việc 24/7 và đặc biệt nói chuyện rất dễ thương.

Nếu bạn là một dev như bao dev lìu tìu khác trên thị trường phần mềm, bạn sẽ cạnh tranh ra sao với mấy nhân viên lương bèo nhèo, chăm chỉ và lễ phép này?

Categories
AI

Software Builder & AI (Phần 1): Những sự xâm lấn đầu tiên

Status này dành cho những người thuộc “tộc” BUILDER, là tộc người mà luôn bị thôi thúc lúc nào cũng xây dựng một cái gì đó. Trong loạt bài “SOFTWARE BUILDER & AI” để mở màn năm 2025 với dòng sự kiện chính là AI này, mình chỉ đề cập đến một khu vực nhỏ xíu là BUILDER trong lĩnh vực phát triển phần mềm.

Trong thế giới phần mềm, người của tộc BUILDER thường có cái chức danh là Product Manager hoặc Product Owner, mà dân gian hay gọi là “Ông chủ” của phần mềm. Người này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển và hoàn thiện phần mềm theo đúng ý đồ ban đầu.

Trước đây, bản thân người của tộc BUILDER thường không tự thiết kế giao diện hoặc ngồi lập trình (code) các tính năng mà phải luôn hợp tác với người của tộc CODER (Ông code) và tộc DESIGNER (Bà thiết kế). Quá trình hợp tác giữa 3 tộc này chính là yếu tố quyết định cho tốc độ và chất lượng của phần mềm được tạo ra.

Suốt hàng ngàn năm qua, thế giới phần mềm vẫn luôn diễn ra như vậy. Thỉnh thoảng có 1 số ít người tộc BUILDER có khả năng lập trình và thiết kế, dẫn đến quá trình làm phần mềm diễn ra nhanh hơn. Tứng là một người như vậy, và 10 năm trước đây, việc có 3 khả năng này một lúc là một lợi thế rất lớn, mà giang hồ hay gán cho mấy tay này là “Nhà khởi nghiệp công nghệ”.

Tuy nhiên, thế giới phần mềm đã có một sự thay đổi kinh thiên động địa trong vài tuần trăng gần đây, đó là sự xuất hiện của AI và chúng ngày càng thông minh. Người của tộc BUILDER giờ đây đã có thể trang bị các năng lực của tộc CODER và DESIGNER chỉ với vài chục đôla / tháng và không còn quan tâm đến “tâm trạng” của 2 tộc kia khi hợp tác.

Hơn 1 tháng qua, Tứng đã tự trải nghiệm việc đưa AI vào quy trình làm phần mềm và thấy rằng mối đe doạ cho tộc CODER và DESIGNER là hoàn toàn có thật, và nếu người của hai tộc này không sớm trang bị & thích nghi với AI, để vượt lên những cá nhân yếu kém, lạc hậu thì không sớm thì muộn trong 1 vài năm tới sẽ bị thay thế bởi những người giỏi hơn, hoặc thậm chí đáng sợ hơn là bị người của tộc BUILDER thay thế.

Sau thời gian trải nghiệm thực chiến với AI thì Tứng rút ra có “2 kỹ năng cốt lõi” mà nếu các bạn thuộc tộc nào đi nữa, nếu được trang bị từ bây giờ thì sẽ khó mà bị thay thế. 2 kỹ năng này là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy, đón đọc ở bài tiếp theo trong loạt bài này nhé.