Chiến lược xây dựng sản phẩm công nghệ

trong danh mục Tech Startup

product-management

Đầu năm, chúng ta hay có những kế hoạch, dự định làm sản phẩm, triển khai các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Đây là tín hiệu đáng mừng vì đầu tư vào công nghệ là một trong những hoạt động thú vị. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên bắt đầu từ đâu với 1 ý tưởng, khái niệm ban đầu về sản phẩm.

Bài viết nhỏ này Tuấn chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân về việc phát triển sản phẩm trong những năm qua nhằm giúp những ai đang phân vân về chiến lược xây dựng sản phẩm công nghệ hoặc đang lúng túng, loay hoay với sản phẩm hiện tại đang theo đuổi.

Khi xây dựng sản phẩm công nghệ, có 2 chiến lược rất rõ ràng là bạn sẽ phải chọn chiến lược Theo chiều rộng hay Theo chiều sâu. Nói một cách dân dã là chọn chiến lược làm nhiều tính năng (chiều rộng) hay 1 ít tính năng (chiều sâu). Đứng trên góc nhìn quản lý dự án với resource và thời gian là hữu hạn, lại còn ít nữa nên bạn chỉ có thể chọn 1 trong 2 ở giai đoạn đầu xây dựng sản phẩm. Ở đây không bàn đến các công ty có nguồn lực dồi dào.

Chiến lược theo chiều rộng

Chiến lược theo chiều rộng nói rằng bạn đã lựa chọn sản phẩm của mình là một sản phẩm có khá nhiều tính năng và các tính năng này sẽ cấu thành một hệ thống lớn, hoặc thường được gọi là hệ sinh thái tính năng. Chọn lựa theo hướng này đòi hỏi bạn sẽ mất khá nhiều công sức phân tích, đo đạc và các tính năng sẽ sinh ra, chết đi khá nhanh (khoảng 3-6 tháng) và theo học thuyết tiến hóa là chỉ những tính năng nào đủ mạnh, được nhiều người quan tâm thì sẽ còn tồn tại và phát triển bền vững.

Lợi thế: Lợi thế của chiến lược này là bạn sẽ có ít đối thủ cạnh tranh vì rất ít công ty công nghệ theo đuổi chiến lược này từ đầu. Do đó, lợi thế cạnh tranh của bạn là có và đó là 1 hệ thống với nhiều tính năng đã được liên kết với nhau.

Bất lợi: Bất lợi của chiến lược này là thời gian hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường sẽ khá lớn bởi với tài nguyên và thời gian là hữu hạn, bạn phải lựa chọn một tập khá nhiều tính năng để làm, kéo theo các tính năng sẽ không đủ chuyên sâu. Do đó, thời gian ra mắt và sự chuyên sâu là 2 điểm bất lợi chính.

Chiến thuật: quan sát thị trường, quan sát thống kê để xem khách hàng thực sự quan tâm đến tập các tính năng nào và đầu tư vào đó, cũng như mở rộng tập tính năng hỗ trợ xoay quanh tập tính năng chính.

Hiện tại sản phẩm Teamcrop bên Tuấn phát triển là đi theo chiến lược này. Gần 3 năm xây dựng thì các module, hệ thống mới dần được rõ nét và bắt đầu có mối liên hệ với nhau, và bức tranh ngày càng rõ nét và đã bắt đầu đưa ra thị trường một cách đại trà.

Chiến lược theo chiều sâu

Chiến lược theo chiều sau nói rằng bạn chọn sản phẩm mình là một sản phẩm ngách, phục vụ giải quyết một nhu cầu nhất định của người dùng. Các dạng sản phẩm này bạn sẽ thấy khá nhiều và khá tương đồng trên thị trường bởi tập tính năng khá ít và chủ yếu khác nhau ở một vài cấu hình hoặc 1 vài flow riêng.

Lợi thế: Chiến lược này giúp nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường cũng như nắm bắt được nhu cầu khách hàng và dễ dàng thay đổi sản phẩm một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, phản hồi của khách.

Bất lợi: Bất lợi ở đây là lợi thế cạnh tranh về sản phẩm của bạn sẽ khó xây dựng, chủ yếu tập trung vào lợi thế cạnh tranh về sale và marketing. Ngoài ra, có một rủi ro là rất dễ clone vì không cần quá nhiều resource để clone 1 sản phẩm đang phát triển theo chiều sâu.

Chiến thuật: luôn cải tiến và đào sâu hơn nữa tập tính năng, cũng như tập trung nhiều hơn vào vận hành của hệ thống bởi đó là thứ rất khó clone.

Canavi.com là sản phẩm Tuấn tham gia với vai trò là CTO, và đây là một sản phẩm theo chiều sâu. Website ban đầu chỉ tập trung vào nhu cầu tuyển dụng các công việc dành cho phụ nữ và sản phẩm hoàn toàn tập trung vào đối tượng người dùng này.

Lời kết

Dù cho phát triển theo chiến lược nào thì bạn cũng phải luôn quan sát, nắm bắt nhu cầu và thay đổi kịp thời, nhất là xu thế cạnh tranh công nghệ khốc liệt như hiện nay. Dù là theo hướng nào đi nữa thì cũng sẽ luôn có phân khúc khách hàng khác nhau cho 2 nhóm sản phẩm này nên hầu như sản phẩm theo chiều sâu sẽ không cạnh tranh với sản phẩm theo chiều rộng và ngược lại. Còn trong cùng 1 nhóm thì sự canh tranh là rất khốc liệt để giành thị phần.

Trên chặng đường phát triển, dù có xuất phát từ chiến lược nào thì bạn cũng sẽ phải lấn sân sang chiến lược kia. Ví dụ bạn đang làm chiều rộng (nhiều tính năng) và đến thời điểm thích hợp, nhiều resource thì bạn sẽ bắt đầu đào sâu hơn các tính năng cốt lõi, được nhiều người quan tâm. Và ngược lại, khi đi theo chiều sâu 1 tính năng ngách, sẽ đến lúc bạn mở rộng bàn tay của mình đến những tập khách hàng khác.

Trên đây mình chia sẻ 2 chiến lược xây dựng sản phẩm. Bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ về chiến thuật xây dựng sản phẩm để mọi người có góc nhìn sâu hơn về “nghề” làm sản phẩm (Product Manager).

2 bình luận

  1. […] Chiến lược xây dựng sản phẩm công nghệ […]

  2. […] Chiến lược xây dựng sản phẩm công nghệ […]

Gởi bình luận