Lấy bản thảo ebook trên Alezaa.com

trong danh mục Web Programming

alezaa-ebook-system

Nếu bạn có theo dõi bài viết trước đây giới thiệu về Alezaa thì có lẽ biết site này làm gì rồi. Cũng như các bài viết khác trên bloghoctap khi phân tích website, mình chẳng có ý định dìm hàng website nào mà chỉ là đứng trên vị trí một web developer phân tích, rị mọ xem kỹ thuật bên trong họ hoành tráng cỡ nào và có thực sự như đã quăng bom hay không thôi, và đối tượng bài viết này hướng đến là Alezaa và hệ thống phân phối ebook bản quyền của họ.

Thật sự mình cũng tính viết bài này lâu rồi bởi từ khi họ chính thức bật tính năng chạy (ngày 1/9/2011) thì mình đã hoàn tất việc “thăm dò” nhưng chưa có thời gian viết, sáng nay rảnh rồi nên ngồi viết cho các bạn đồng đạo hay các bạn nào liên quan đến bán ebook, mua ebook, crack ebook hay xuất bản ebook hiểu hơn về “sự bảo vệ ebook” của alezaa. Đợt thăm dò này tốn 100k nhưng “rờ” được bản thảo của khoảng 4 cuốn khá mới và nổi tiếng.

Nói sơ qua về hình thức ebook của các bạn Alezaa, các bạn đó không cho download file ebook như 99% hệ thống khác trên thế giới(Reader.vn cũng bán file PDF như mọi người), như vậy là các bạn đó lựa chọn một phương thức phân phối ebook khác, riêng điểm này vote cho +1 bởi dám làm khác và nghĩ ra cách thức tương tác khá tốt và online, tận dụng nền tảng HTML5, CSS, Javascript để mang đến trải nghiệm khá cool khi đọc sách, cái này cũng +1 vì xông pha giang hồ chưa thấy ở đâu “hay” như của các bạn ấy.

alezaa-reading

Trang đọc online ebook

Mình không nói việc họ bán thế nào, bán làm sao, người dùng đọc làm sao mà nói trên phương diện “phá” làm sao, ảnh hưởng đến các công ty sách, tác giả có bán ebook trên đó như thế nào bởi bài toán khi bán ebook không phải là người dùng đọc thế nào mà quan trọng nhất là bảo vệ ebook sau khi bán thế nào.

Và toàn bộ bài viết này mình chỉ gói gọn một câu: “Alezaa không đúng khi lựa chọn giải pháp phân phối ebook trên HTML5, CSS và Javascript và những ai bán ebook trên đó hãy cẩn thận.“.

Tại sao mình nói họ không đúng, họ đã quá tự tin vào kỹ thuật HTML5, CSS, Javascript để xây dựng hệ thống đọc online. Như các bạn cũng biết, nếu họ đã chọn cung cấp nội dung ebook dưới dạng text HTML thì theo bạn có thể lấy ngược lại hết bản thảo không? Nếu ai đã có chút kinh nghiệm về web, HTML thì các bạn cũng hiểu phần nào cách thức bên dưới của nội dung ebook được cung cấp ra.

Họ bảo vệ bằng cách nào? Chặn chuột phải, giới hạn 3 thiết bị truy cập ebook đó, hoặc mỗi khi chọn 1 chương (1 sách có nhiều chương) thì dùng AJAX sử dụng JSON với vị trí các paragraph lộn xộn để trả nội dung HTML về và sau đó dùng Javascript sắp xếp lại các paragraph rồi thay thế DOM cho chỗ hiển thị sách để đọc. Theo các bạn – những developer – bạn có thể lấy được nội dung html của sách không? Chắc một số bạn đang…mỉm cười ^^.

Chỉ cần mua ebook là bạn có thể lấy trọn gói bản thảo của ebook đó và phát tán thoải mái trên Internet mà hoàn toàn không có thông tin gì về người mua hay đơn hàng hay bất kỳ thông tin nào để ngăn chặn định dạng cả, bởi vì bạn có thể lấy nguyên bản thảo (tức là word), bạn có thể định dạng lại đẹp hơn, xuất ra ebook xịn hơn dạng PDF, PRC rồi…bán lậu bởi thậm chí ebook lậu bán ra cực kì tốt bởi bạn đang làm việc trên bản thảo giống 99% bản thảo gốc của nơi xây dựng ebook.

Dưới đây mình sẽ mô tả một cách đơn giản làm sao để có thể lấy được bản thảo và chuyển qua định dạng word của một ebook sau khi bạn đã mua của Alezaa. Tất nhiên là bạn phải mua để có quyền truy cập đến nội dung đầy đủ của ebook đó. Không cần bất cứ phần mềm nào chuyên nghiệp, Alezaa dùng trình duyệt để chặn mình phát tán thì mình sẽ dùng trình duyệt để “xử” họ. Bạn chỉ cần Firefox có addon Firebug (addon mà developer nào cũng có) là có thể xử được. Bạn phải có một “chút xíu” kiến thức về HTML thì mới có thể “chôm” bản thảo được.

Các bước như sau:

– Bạn tạo sẵn 1 file html chưa có nội dung (có thể dùng Notepad++, Dreamweaver…), nhớ là cố thẻ head, meta để còn hiển thị tiếng Việt nhé. Sau đó tiến hành lấy nội dung HTML của từng chương paste vào file này.

File html để paste nội dung vào thẻ body

– Để lấy nội dung HTML từng chương, hiện tại mình đang phát triển một ứng dụng nho nhỏ để làm cái này tự động, nhưng chưa có thời gian, nếu ai phát triển được thì share nhé, cũng đơn giản thôi là theo dõi cái DOM chỗ element đó, khi onchange cái chương thì mình copy vào clipboard hay đại khái thế. Ở đây không có đồ chơi nên làm bằng tay, mỗi chương bạn tốn khoảng 5 giây copy, 3 giây paste và 2 giây chuyển qua chuyển lại ^^.

– Vào trang đọc online ebook mà bạn muốn lấy, mở cửa sổ Firebug (trên Firefox) mở tới thẻ HTML <div id=”book-container”> và nội dung bên trong thẻ <div id=”book-reader”>…</div> chính là nội dung HTML của chương bạn đang xem. Mỗi khi chuyển chương, bạn right-click lên <div id=”book-reader”..>, chọn Copy InnerHTML rồi paste vào file html bạn đã tạo từ đầu. Làm tuần tự từng chương cho đến hết. Nếu sách có nhiều chương thì hơi mỏi tay cho nên mới cần cái gì tự động. Nhưng đối với một kẻ chỉ mất công tí xíu mà chôm được nguyên bản thảo để làm chuyện xấu thì có xá gì.

alezaa ebook inspector

Cửa sổ Firebug

alezaa ebook inspector innerhtml

Copy HTML của chương hiện tại

– Sau khi bạn đã có trọn gói nội dung ebook dưới dạng file html, chỉ cần dùng firefox mở file html này lên coi bình thường, copy toàn bộ text rồi paste vào word thế là xong quá trình “chôm chỉa”.

firefox copy

Mở bản thảo copy được trong firefox và copy để paste vào word

sample word

Bản thảo sau khi lấy. Tùy vào khả năng của bạn mà lợi dụng file word này để kiếm chác.

Theo bạn hệ thống như vậy có bảo vệ được ebook không? Bản thảo có thể lấy một cách trắng trợn mà không một vết tích, thậm chí có thể xuất bản ngược lại với định dạng đẹp hơn, phong phú để…bán lậu. Hãy thử nhìn ở một góc độ lớn hơn, 1 sách bán khoảng 20,000đ, 500 cuốn thì hết 10 triệu. Chỉ tốn 10 triệu là có bản thảo của 500 cuốn, từ đó dựng 1 site ở nước ngoài bán lậu, thậm chí ebook lậu còn đẹp gấp trăm lần ebook bản quyền (như ebook mà Reader bán) mà lại rẻ hơn, muốn bán giá bao nhiêu bán vì không phải tốn chi phí gì xấc. Hậu quả đối với công ty sách, tác giả và những site bán ebook bản quyền chính thống như thế nào thì chắc các bạn cũng hình dung được.

Chung quy lại thì họ – Alezaa đã đặt niềm tin quá lớn vào HTML5 để triển khai hạ tầng của mình, cũng giống như xây một ngôi nhà cao tầng rất đẹp, hoành tráng, bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn còn cửa hậu, và với cánh cửa này kẻ xấu chỉ cần có vé vào cổng là có thể vào chôm đồ ra đi vô tư.

Nói mình cũng phải nói đến quốc tế một xíu để so sánh. Thực sự nền công nghiệp ebook ở nước ngoài đi trước ta khá xa, tại sao không có những trang bán ebook trên nền HTML? Họ đã thấy được vấn đề này rồi và chẳng ai dại dột gì triển khai cả hạ tầng bán ebook trên HTML, chỉ có Alezaa thật sự mạnh dạn làm cái điều mà mình gọi là “ngông cuồng” này.

Amazon, một site hàng đầu còn phải lệ thuộc vào thiết bị Kindle cũng như hệ thống DRM cho ebook dành đọc riêng trên Kindle còn bị crack rầm rầm để phát tán trên mạng (crack dễ lắm ^^) hoặc một số site thì dùng kỹ thuật watermark thông minh ngay trong nội dung ebook, Reader.vn đã chọn giải pháp này bởi đâu có biết sản xuất Kindle :). Hy vọng một ngày nào đó mình sẽ chia sẻ đến các bạn kỹ thuật bảo vệ ebook của Reader để mọi người hiểu được quy trình bảo vệ PDF của mình. Hệ thống bán ebook nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu, quan trọng là cái điểm yếu của bạn yếu như thế nào mà thôi. Kinh doanh là một chuyện, bảo vệ ebook, bảo vệ tác giả là một câu chuyện nghiêm túc cần xem xét kỹ lưỡng.

Mình đã lấy được bản thảo của Chiến lược đại dương xanh (Sách này đến Reader.vn bán mà còn không có bản thảo ^^), Chết sập bẫy rồi (sách mới của nhà sách Quảng Văn), Giao tiếp bất kỳ ai (best seller) và Nhật ký mùa hạ (sách mới của nữ tác giả Dili). Mình cũng đã thông báo thông tin này với các sở hữu của ebook bán trên Alezaa nhưng chưa thấy một ai phản hồi về sự việc nghiêm trọng này -> không hiểu nổi. Thôi thì mình đã làm một việc phải làm là thông báo, zero day đã hết, có nghĩa vụ phải chia sẻ đến mọi người một số kiến thức thú vị trên.

Một số chia sẻ và lời khuyên cho các bạn cũng như đồng chí nào đang làm cho Alezaa hiểu được hệ thống của các bạn cực kỳ có vấn đề, phải có giải pháp xem xét tổng thể lại nếu muốn đi đường dài. Nếu bạn thấy bài này đụng chạm thì cũng xin lỗi vì đây là một bài viết phân tích đơn giản, với tư cách chia sẻ kiến thức, mình không viết thì cũng có người khác viết, muốn người ta không biết, không phá thì trừ khi đừng có làm.

Nếu các bạn có các kỹ thuật nào “phá” nhanh hơn, hoặc viết được các tool tự động thì chia sẻ với mình nhé. Mong nhận được các ý tưởng cũng như đồ chơi của các bạn.

--------------------------------------------------------------------------
------ Nếu là web developer, bạn sẽ biết cách xem nội dung bài viết ------
--------------------------------------------------------------------------

P.S: Mỗi khi viết một bài phân tích kỹ thuật (vọc) đằng sau một website khiến mình hưng phấn ghê, tự nhiên làm mình nhớ lại cái loạt bài “Zing me ký sự” năm nào!

16 bình luận

  1. TMQuang says:

    Lâu không gặp nhỉ. Đúng là đối thủ cạnh tranh thì sẽ tìm sơ hở đột kích mà 🙂
    Nhưng thật sự thì cái thằng này quả là “Có gan làm liều” khi publish dạng HTML. Giấu được người thường chứ với Dev thì nó có mà sặc máu.
    OK,anyway thank you for sharing

  2. Lý thuyết là phòng người ngay chứ không phòng kẻ gian. Nhưng vấn đề lớn là đúng như bạn nêu, nếu lấy được bản thảo thì coi như mất hết.

    Đang quan tâm đến việc xây dựng framework của bạn, chắc hôm nào đăng ký để xem việc xây dựng framework tốt và lightweight trên PHP có nhiều khó khăn gì không.

    Thanks!

  3. amazon says:

    https://read.amazon.com Amazon Kindle Cloud Reader cũng có thể lấy bằng cách này.

  4. Quang says:

    Có khi là vị họ khoáng trắng cho 1 bên nào đó làm và được nghe hót về sự bảo mật nên đang sống trong mơ thôi(Claire, nhớ không =)) ). Xuất online bằng HTML thì dễ thương thật:D

  5. Mình vừa đọc được bình luận của bạn Vinh Nguyễn Hoàng, các bạn thăm thảo:

    Về việc Amazon cũng build cloudreader trên nền HTML5, có 1 điểm khác biệt cơ bản là amazon luôn phối hợp vs cop để giải quyết triệt để mọi hành động ăn cắp or sử dụng tài khoản ăn cắp để mua hàng trên hệ thống của họ (mấy tay cracker ở VN – có vài đứa là bạn em quen – cách đây 2 năm vẫn thường dùng tài khoản ăn cắp để mua đồ ở những nơi có policy lỏng lẻo như Dell nhưng tuyệt ko dám động đến amazon vì có bất cứ khiếu nại nào từ người chủ thẻ là Amazon đều phối hợp vs cảnh sát làm đến cùng). Điều này lại khó lòng thực hiện ở VN – hiện tại. Và nếu có thì em nghĩ chi phí anh bỏ ra để lực lượng an ninh VN làm việc đó cho anh cũng là không nhỏ . Theo em biết khi các nhà sách mua bản quyền (cả bản cứng lẫn ebook) sách về để xuất bản thì đồng thời phải chịu trách nhiệm với bên bán bản quyền giải quyết những vi phạm về sở hữu trí tuệ xảy ra trên đất nước họ với những bản thảo mà họ đã mua. Và Alezaa khi kí hợp đồng vs từng nhà sách chắc cũng không thể không có điều khoản về bảo vệ bản quyền này vs họ? Tuy biết rằng không có cánh cửa nào đóng chặt tuyệt đối 100% nhưng dùng HTML thì anh đã mở 1 cánh cửa quá rộng để trước hết là Alezaa và sau đó là các nhà xban VN đã mua bản quyền sách của nc ngoài chịu rủi ro nhiều hơn về mặt – trước hết là – uy tín và sau đó là pháp lý khi bản thảo bị lấy cắp và phát tán bất hợp pháp – 1 vấn đề ko dễ và rẻ để giải quyết đến nơi đến chốn ở VN.

  6. Ngây Ngô says:

    Thật ra không có cách nào tối ưu việc “sao chép”. Nếu bạn có thể ngăn hành động copy nhưng mình vẫn có thể gõ lại từng chữ của một cuốn sách. Điều mà mọi người vẫn làm với sách in.

    Hành động crack, hack như tự đánh mặt của mình vậy. Dân IT là người tạo ra các sản phẩm về phần mềm hay dịch vụ trên mạng. Và IT chỉ sống nhờ vào việc bán nó. Thế mà chúng ta lại tự dí dao vào cổ mình, cắt đứt cừng câu qua hành động crack và cho free.

    Vậy mà có vài dân IT than tui viết ra phần mềm mà chẳng ai xài, toàn crack xài chùa không. Ai ngờ ban đêm chính những người này lại đi crack phần mềm khác để share ^^

  7. Mr. Lazy says:

    Mình thấy cách làm này lấy được nội dung của cuốn sách nhưng cũng đâu có gì mới. Trên các diễn đàn chia sẽ ebook người ta vẫn thường gõ lại nội dung nguyên quyển sách luôn mà. Nếu muốn có bản đẹp thì cứ lên mấy trang kia lấy về rồi định dạng lại theo ý mình cho nó đẹp thôi.

    • admin says:

      Ý kiến của bạn cũng hay. Nhưng thực ra nếu làm cho người ta dễ chia sẻ thì phát tán thì lại là một câu chuyện khác. Bạn có chịu ngồi bỏ hàng ngày để gõ một cuốn sách giấy bạn đã mua để chia sẻ cho cộng đồng không? Nếu như ở đâu có sẵn, bạn chỉ mất vài phút là có thể chia sẻ được, liệu sự hứng thú để chia sẻ sẽ như thế nào ở 2 trường hợp? Đó là vấn đề tâm lý cộng đồng chứ không phải câu chuyện đường nào tui cũng share được vì ngồi gõ cuốn sách ^^|, vài dòng chia sẻ cùng bạn.

  8. Mr. Lazy says:

    Ý của mình là nếu thật sự muốn làm thì mình sẽ không bỏ thời gian của mình ra để một mình ngồi gõ lại cả cuốn sách ấy. Nếu mình là một kẻ muốn kiếm lợi từ việc bán ebook không có bản quyền thì mình sẽ lên những trang chia sẻ ebook để săn hàng về rồi chỉnh lại cho nó thật đẹp thôi. Nguồn sách từ các trang kia thật sự phong phú hơn những trang kinh doanh ebook có bản quyền. Chắc bạn cũng biết điều này.

    Còn nếu mình là người chỉ muốn chia sẻ mình sẽ cố gắng kiếm nó từ nguồn này hay nguồn khác chứ cũng ko cần bỏ tiền ra mua sách có bản quyền làm gì. Và nếu mình không thể kiếm được cuốn sách đó thì mình sẽ cùng những người khác gõ lại cuốn sách này. Điều này có vẻ khó tin nhưng thực tế ở một số trang chia sẻ ebook đang diễn ra như vậy.

  9. alezaa says:

    Với alezaa phiên bản mới cập nhật thì có thể copy mã html theo cách trên nhưng thứ tự các đoạn sẽ bị lộn xộn

    • admin says:

      Hihi, lộn xộn thì thêm vài dòng code là nó hết lộn xộn chứ gì ^^. Chúc vui vẻ – developer.

  10. Iron Man says:

    Là một người làm bảo mật, mình có vài điều muốn chia sẽ với tác giả của bài viết này. Hi vọng những điều mình nói sẽ giúp ít được gì đó cho bạn.

    Nói thật ra là mình rất dị ứng với những tấn công vào hệ thống của người khác và show off chi tiết lên như thế này. Mình cũng đã từng trải qua một giai đoạn như thế này và mình biết được rằng những hành động như thế này chỉ là những trò trẻ con và nó cũng không đem lại một lợi ích gì cho ai hết. Và ngược lại, nó còn làm ảnh hưởng không tốt đến bản thân mình và những người khác.

    Dẫu biết rằng những hành động của bạn có thể xuất phát từ những động cơ tốt nhưng cách làm như vậy là ko tốt và có phần nguy hiểm. Nếu bạn thấy lỗ hổng này có thể làm ảnh hưởng đến ko tốt đến một tổ chức hay cá nhân nào đó, bạn có thể âm thầm thông báo riêng cho họ và nếu thích công bố lên blog để chia sẽ với người khác, bạn chỉ nên viết khi hệ thống của người ta đã được fix lỗi này. Đây là cách những người làm bảo mật có thiện chí vẫn thường hay làm.

    Bạn có thể nói rằng nếu bạn không viết như thế thì cũng sẽ có người khác viết thôi. Điều này là không đúng đắn. Khi bạn vào một ngôi nhà có cửa mở toan và có tài sản có giá trị trong đó, bạn có suy nghĩ là nếu mình ko lấy đồ thì người khác cũng sẽ lấy ko?

    Những bài viết show-off dạng như thế này cũng tạo điều kiện cho đám script kiddie thấy phấn khích vào học hỏi làm theo. Những đám này thì đông và hung hãn lắm. Tưởng mình biết được một số thủ thuật đi phá phách người khác là mình tài giỏi mà không chịu đầu tư học hành một cách bài bản một thứ gì. Cuối cùng thì chúng cũng chẳng làm được một việc gì ra hồn cả.

    Việc làm này cũng làm hình ảnh của bạn bị xấu đi trước những người làm bảo mật chân chính. Bạn có thể được một số người tung hô cổ vũ nhưng cần phải nhìn nhận thật sự những người đó là ai, có phải là những người có trình độ hơn bạn không? có phải là những người đánh giá được đúng những gì bạn đang làm không?

    Và điều cuối cùng nguy hiểm nữa đối với bản thân và công việc của bạn là bạn có chắc được rằng những người được đang viết ở trên không có làm điều tương tự đối với hệ thống của bạn? Bạn đừng tự tin rằng hệ thống của bạn đang được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nói chung làm một người có thiện chí vẫn tốt hơn bạn à.

    Một vài lời muốn chia sẻ với bạn.
    Chúc bạn vui vẻ và tiếp tục có những đóng góp bổ ích cho cộng đồng.

    • admin says:

      Cảm ơn bạn đã góp ý nhé, dường như bạn đã hiểu sai ý đồ của bài viết. Bloghoctap chẳng cần phải showoff gì cả và cũng chẳng cần phải gây đình đám gì để thu hút độc giả của mình bởi cái bài viết này nó có đình đám gì đâu ^^ và chính cách viết bài từ trước đến giờ của bloghoctap mới thu hút bởi tính chân thực, chi tiết và thời sự của nó.

      Còn về scripkiddy, xin thưa là bài viết này chỉ là một thao tác rất là bình thường đối với dân biết HTML mà cái này thì đâu phải là share tool này nọ để chạy mà người đó không biết chi tiết, đây chỉ là cho mọi người thấy, cơ chế này là một cơ chế có vấn đề nên ai cũng có thể can thiệp được. Và tất nhiên còn có hàng chục cách khác để làm điều tương tự như thử Disable CSS hay một số tool tự viết khác.

      Còn về thiện chí thì mình đã rất thiện chí khi chờ xem các bạn ấy giải quyết thế nào, nếu mình không viết ra liệu để mọi việc xấu hơn thì sao nhỉ vì mình chắc chắc với bạn họ sẽ tiếp tục giữ thiết kế và mảy may không thay đổi gì cả nếu không có một bài viết nào được viết ra bởi sự việc xấu hơn không những gây ảnh hưởng đến bên đó (cái này mình không quan tâm) và thậm chí gây ảnh hưởng đến tất cả các đơn vị khác nhảy vô sau (như Reader) cũng như các công ty sách. Hãy nghĩ như những người làm ebook và chôm ebook.

      Rất vui được kết bạn với bạn, nếu ở HCM thì hẹn một ngày nào cafe làm quen nhé. Thân.

  11. Not says:

    Cho dù có giỏi đến đâu thì với cách làm như vầy thì cũng là hành động ăn cắp chất xám thôi. Có gì đâu mà phải khoe khoang dữ vậy?

    Ừ thì đành rằng hệ thống bảo mật của Alezaa gì đó chưa tốt, nhưng nếu ai đó học theo ông admin này để mà đi chôm về, đặt site ở nước ngoài, rồi làm lại cho đẹp hơn, bán rẻ hơn… thì cũng chỉ là hàng nhái mà thôi, giống như việc sách giấy bị in lậu bán vỉa hè bao nhiêu năm rồi chưa xử lý nổi. Giá trị và thương hiệu cũng sẽ bị giảm xuống vì những người như các vị. Cá nhân tôi, nếu tự tin rằng tôi giỏi hơn những người này thì tôi sẽ tự đứng ra xây dựng hẳn 1 hệ thống khác tốt hơn, hoàn thiện hơn.
    Hành động khoe khoang mà admin vỗ ngực như trên là gửi email đến các đơn vị cung cấp sách để cảnh báo, thì có vẻ không fair-play lắm nhỉ? Có thể hiểu đây là một sự khẳng định cho việc kém cỏi của Reader.vn chăng? Hay sự ngốc nghếch ngây thơ của anh admin, khi anh cố tỏ ra mình tốt bụng nên mới làm như thế?
    Ăn trộm cho dù có giỏi đến mấy thì không bao giờ nên to tiếng cả. Iron man nói đúng, bao nhiêu người sẽ ủng hộ cho cái việc bạn thấy một ngôi nhà chưa đóng kín cửa, bạn vào chôm đồ của người ta, rồi ra ngoài hét toáng lên là : Nhà này an ninh không tốt?
    Hỏi riêng chút xíu: Bạn bao nhiêu tuổi vậy?

    • admin says:

      Rất vui được anh nhận xét. Em sinh năm 86.
      Còn về bán ebook thì reader đã triển khai theo mô hình khác vì nhận thấy hệ thống cung cấp HTML hoàn toàn có vấn đề và bị khai thác thế này.

  12. admin says:

    Gởi các vị “ứ” phải developer, tôi viết bài này ứ phải để các vị đọc rồi vô đây ra vẻ đạo mạo, đàng hoàng, chê bai nhận xét nhân cách, chỉ trích người này người nọ.

    Các vị hãy thử nhảy ra làm ebook, bán ebook hay kinh doanh sách thì các vị sẽ biết những điều tôi viết nó như thế nào khi đứng từ bên trong ngành.

    Còn các vị vẫn thấy mình cao sang, cái blog hay con người tôi thấp giá không đáng nói chuyện với các vị thì các vị đừng có vào đây, tôi không có cần các vị vô đây nói như là những người ngồi bàn thờ, vậy nhé.

    Nếu các vị có cảm thấy tôi xúc phạm thì cho tôi xin lỗi vì tôi nói chuyện không có được khôn khéo vì tôi chỉ là dân IT, thích nói dựa vào bằng chứng và logic.

    Dù sao cũng cám ơn các vị đã ghé blog và để lại lời nhắn. Hy vọng các vị cũng sẽ ủng hộ Alezaa nếu các vị thích. Mình tạm đóng comment vì chẳng phải đi PR cho người ta miễn phí. Chờ các bài khác thú vị hơn nhé.

    Chúc các vị một ngày vui vẻ, chúc các bạn hữu một ngày code thoải mái và có nhiều điều mới.